Những ngày nửa đầu tháng 7-2022, Toà án nước ta vừa đưa hai vụ án tham nhũng, tiêu cực ra xét xử - trong số những bị cáo có ba ông cấp tướng!

Toà án Tối cao thì xét xử Phúc thẩm cựu Chủ tịch UBND T.P Hà Nội - Nguyễn Đức Chung trong vụ án “Vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội”; còn Toà án Quân khu 7 xét xử một số sĩ quan cao cấp của Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng, trong vụ án “Buôn lậu 198 triệu lít xăng”.

Việc xét xử hai vụ án mang đến niềm tin cho nhân dân về quyết tâm của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nhưng bên cạnh niềm tin đó là một nỗi buồn rất khó tả.  Khó tả như có người dãi bày trên trang cá nhân: “Nỗi buồn vu vơ!”.

Vì sao buồn vu vơ? Vì nỗi buồn không thể lý giải được, là tại sao nắm giữ “phên giậu quốc gia” lại được trao cho những sĩ quan kém phẩm chất đến thế; buồn vì lo - nếu có cả ai nữa “bảo kê” cho các bị cáo, nhỡ mà “lọt lưới” thì còn tiềm ẩn những bất trắc khác khó lường hơn; nhất là buồn vì bị cáo của cả hai phiên toà tuy đều là những người từng phụ trách những vị trí đặc biệt quan trọng của đất nước, quân đội; được đào luyện, thử thách cả trong trường học và ngoài thực tiễn mà “hầu tòa” lại không trung thực, nếu như không muốn nói là lật lọng, thiếu văn hoá đến thế!

Ông Lê Văn Minh - cựu Tư lệnh Vùng 4 Cảnh sát biển - người từng được Quân uỷ T.Ư, Bộ Quốc phòng giao chịu trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ an ninh kinh tế cho cả một vùng biển bao la của Tổ quốc mà nhận hối lộ của Phan Thanh Hữu “trùm buôn lậu xăng dầu” tới gần 7 tỷ đồng.

Chứng cứ, lời khai đã hoàn tất. Bút lục còn lưu lời ông khai trước cơ quan điều tra: “Có biết Phan Thanh Hữu buôn lậu xăng dầu”… Vậy mà, trước tòa, ông lại quay ngoắt, cãi là “Không phải hối lộ, đó là quà, thi thoảng người ta gửi”. Ông nói như người không biết chữ! Chỉ đến khi Đại diện Viện Kiểm sát lưu ý rằng, nếu không khai báo thành khẩn sẽ rút tình tiết giảm nhẹ. Ông  mới chịu nhận tội.

Còn Lê Xuân Thanh - cựu Tư lệnh Vùng 3 Cảnh sát biển, cũng “cãi” trước Toà việc Phan Thanh Hữu hối lộ thông qua vợ, con ông 1,8 tỷ đồng bằng hình thức chuyển khoản 11 lần cũng không phải là tội hối lộ. Vì ông ta không biết! Trong khi vợ ông, bà Phạm Thị Xuân thì khai có báo cho chồng…!

Không biết, có phải vì thấy “cấp trên” thiếu trung thực như thế mà một số bị cáo khác nguyên là sĩ quan Biên phòng cũng không thành khẩn khai nhận, làm phiên tòa trở nên căng thẳng, mất thêm thời gian không cần thiết. Những người dự phiên toà ngao ngán hết nỗi.

Còn ông Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch T.P Hà Nội. Thật ngạc nhiên. Không biết ông nghĩ thế nào mà lẩn thẩn giao cho luật sư mang đến tòa một chồng giấy khen, bằng khen được tặng thưởng trong quá trình công tác trước đây; cả bệnh án nữa, để xin tòa, được giảm án.

Ông Chung nghĩ thế là ngược rồi. Lẽ ra ở cương vị của ông, ông phải thấy xấu hổ, ân hận vì những việc làm vi phạm pháp luật của mình không những đã làm hoen ố những thành tích, chiến công của bản thân, mà còn xúc phạm vào tổ chức Đảng, chính quyền, nhân dân, người “đỡ đầu” đã từng tin tưởng giao nhiều trọng trách quan trọng cho ông.

Nhất là trong số bệnh án mang tới tòa mới vỡ ra, ông bị ung thư trực tràng từ tháng 4-2015 phải mổ cắt, làm hậu môn nhân tạo ở một bệnh viện nước ngoài. Nghĩa là, ông đã bị một trong những căn bệnh nan y từ trước khi ông được giao chức Chủ tịch UBND T.P Hà Nội hơn nửa năm - ngày 4-12-2015.

Không biết khi các cấp làm quy trình bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch UBND T.P Hà Nội, ông có trình bày bệnh của mình cho tổ chức biết không. Chắc là không, chứ nếu biết theo quy định quản lý sức khoẻ cán bộ cao cấp, ai lại giao cho ông những công việc nặng nề như thế.

Mà ác quá…! Mấy ngày nay mạng xã hội lại còn đưa nhiều vi-đi-ô, ghi lời, hình ảnh ông phát biểu khi còn giữ chức Chủ tịch UBND T.P Hà Nội; kể cả khi là Giám đốc Công an T.P, ông phát biểu trong buổi họp cải cách tư pháp, đề nghị giữ nguyên khung hình phạt tử hình với tội tham nhũng. Ông lâp luận bản thân từng chứng kiến có người phạm tội tham nhũng bị phạt tù 20 năm, sau giảm án xuống còn 10 năm, trừ thời gian tạm giam, loáng cái ra tù, như thế là không có tác dụng răn đe...

Vẫn giọng sang sảng, mạch lạc, phân tích có lý, có tình, có tâm… Xưa nghe tin, giờ thấy giả giả. Ông thay đổi lúc nào? Chả lẽ lại “hai mặt” thế thật? Còn nhớ ngày tôi đi cùng Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội đến nghe ông say sưa báo cáo những vụ án ông “đánh” thành công. Ai cũng khen, giờ nghĩ tiếc!

Đương nhiên là mọi bị cáo đều bình đẳng trước phát luật; có quyền bào chữa, kể cả quyền im lặng… Nhưng nói gì, nói thế này hay thế khác… còn phụ thuộc vào nhân cách của từng bị cáo. Và trước tòa, nhân cách của các bị cáo dễ được bộc lộ đầy đủ hơn.

Từ hai vụ án trên mới thấy công việc đào tạo, tuyển chọn sử dụng cán bộ của Đảng mình vẫn còn có khi sơ hở!

Phạm Nguyễn