Các thương binh, CCB nữ có nhiều thành tích trong công tác thăm chiến trường xưa tại tượng đài Chiến thắng T.P Buôn Ma Thuật.

Được tôi luyện qua chiến tranh gian khổ ác liệt, rời quân ngũ trở về quê hương, những nữ CCB, thương binh T.P Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên đã vượt qua khó khăn về hoàn cảnh, bệnh tật, tiếp tục cống hiến sức mình chung tay xây dựng quê hương, đất nước.

Nặng tình đồng đội

“Lúc thường cũng như ra trận, 10 lời thề danh dự năm xưa của người lính sẽ mãi theo tôi đến hết cuộc đời” -  đó là tâm sự của nữ CCB Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1950, ở thị trấn Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Bà tham gia du kích lúc mới 15 tuổi, rồi thanh niên xung phong (TNXP) và trở thành nữ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn từ năm 1966-1972.

Năm 1971, trong một đêm địch đánh phá, Nguyễn Thị Liên bị thương ở bản Tà Hưa, được đưa ra miền Bắc điều trị. Năm 1972, bà Liên được cử đi học lớp trung cấp nông nghiệp ở huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Lớp học vừa khai giảng cũng là lúc bà Liên nhận được tin nhà bị bom Mỹ đánh tan hoang; cha, chú và cậu ruột của bà mất vào thời điểm này. Nén đau thương, bà vừa tham gia chống chiến tranh phá hoại vừa học tập. Tốt nghiệp khóa học xuất sắc, bà được giữ lại trường làm trợ giảng và giảng viên, đến năm 1982 bà nghỉ hưu, theo chồng là ông Nguyễn Minh, cũng là một thương binh về quê chồng ở khu phố 3, thị trấn Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa và được tín nhiệm bầu làm Phó bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố, rồi Hội trưởng Hội Cựu TNXP thị xã Đông Hòa, kiêm Phó ban liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Phú Yên. Ở cương vị nào bà cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao.  

Cùng thời với bà Liên, bà Bùi Thị Duyên, sinh năm 1955, ở Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa là chiến sĩ quân y của Tỉnh đội Phú Yên. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà Duyên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huy chương Kháng chiến hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Sau ngày 30-4-1975, bà lấy chồng là bộ đội đặc công. Hai bà, Liên - Duyên gặp nhau ở một điểm chung là hết lòng, hết sức vì đồng đội. Hai bà sát cánh bên nhau không quản khó khăn, đến từng nhà, gặp từng người thuyết phục, tuyên truyền vận động để CCB - cựu TNXP sống bản lĩnh, tự tin, nỗ lực phấn đấu vươn lên.

Đặc biệt, hoạt động của Hội do hai bà chung sức chủ trì hằng năm, thăm, tặng trên 120 suất quà (300.000-500.000 đồng/suất); phối hợp với Hội Truyền thống Bộ đội Trường Sơn tỉnh Phú Yên, vận động xây dựng 7 Nhà tình nghĩa và nhiều sổ tiết kiệm tặng hội viên nữ chiến sĩ Trường Sơn và cựu TNXP.

Ông Võ Đình Tiến - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cho biết: “Bà Liên và Duyên không chỉ tích cực làm công tác thiện nguyện, mà còn rất nhiệt tình tham gia nói chuyện truyền thống, nhất là truyền thống phụ nữ Việt Nam trong chống Mỹ cứu nước để động viên thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống cha anh, xây dựng quê hương đất nước”.

Tấm gương thiện nguyện

Bà Ngô Thị Sương là CCB có hoàn cảnh khá đặc biệt. Trở thành nữ cứu thương Giải phóng quân lúc mới 16 tuổi, bị địch bắt, tra tấn nhưng vẫn kiên cường bất khuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Về hưu, bà trực tiếp phụng thờ hai Mẹ VNAH, 5 thân nhân liệt sĩ và 10 vong linh thân nhân liệt sĩ. Công việc hết sức bận rộn bà vẫn dành thời gian kêu gọi vận động giúp đỡ xây Nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà tạm cho đồng đội là CCB.

Mỗi tháng bà trích 200.000 đồng từ tiền lương của mình giúp bà Lê Thị Minh Nguyệt ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa (là bạn chiến trường chống Mỹ và là con của liệt sĩ) bị bệnh thận phải điều trị trong thời gian dài.

Năm 2015, sức khỏe bà Nguyệt hồi phục; theo nguyện vọng của bà Nguyệt, bà Sương chuyển số tiền 200.000 đồng đó sang giúp đỡ cho bé Võ Thị Diễm Kiều, 13 tuổi (con của bà Lê Thị Diệu) ở khu phố 1, thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), chạy thận tại T.P Hồ Chí Minh. Bà còn là thành viên tích cực trong nhóm thiện nguyện tổ chức bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện đa khoa Phú Yên…

Nói về việc làm của mình, bà Sương chia sẻ: “Mình may mắn và hạnh phúc hơn các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, hơn những người có số phận éo le, bệnh tật nghèo khó… nên nay muốn được nhường cơm sẻ áo giúp đỡ cho những người khó khăn có cơ hội vươn lên”.

Vẫn là “Nữ pháo thủ xuất sắc”  

Bà Trần Thị Hồng Thái, sinh năm 1951, tại khu phố Phước Hậu 2, phường 9, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Năm 1967 (16 tuổi) là nữ liên lạc viên, tháng 5-1970, được lựa chọn đi học lớp kỹ thuật pháo cối và trở thành tiểu đội trưởng pháo binh. Có những trận bà chỉ huy đơn vị đánh địch đạt hiệu suất cao, được ghi vào lịch sử LLVT T.P Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ngày 1-4-1975, Trần Thị Hồng Thái là một trong những nữ chiến sĩ được giao nhiệm vụ giao liên dẫn đường cho xe tăng và bộ binh bộ đội chủ lực ta tiến vào giải phóng tỉnh Phú Yên… Bà công tác đến 2004 thì về hưu, tiếp tục tham gia công tác ở địa phương, là Phó bí thư chi bộ, trưởng ban Mặt trận, Chi hội trưởng CCB khu phố, phường 9, T.P Tuy Hòa đã hơn 15 năm. Chi bộ mà bà làm Phó bí thư luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bà Thái chia sẻ: “Nhiều người khuyên tôi lớn tuổi rồi, lại là thương binh hay đau ốm thì làm việc nhiều chi cho vất vả. Nhưng tôi cứ nghĩ, Bác Hồ suốt cả cuộc đời lo cho dân, cho nước, mình có hạn thì ít nhất cũng góp chút công sức nhỏ lo cho một nhóm người ở quanh khu phố”.

Bà Lê Thị Thu Sang, ở phường 6 - Phó bí thư Đảng ủy phường 9, nói với tôi: “Cô Trần Thị Hồng Thái là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng và tinh thần làm việc của Bộ đội Cụ Hồ. Mặc dù thương binh, tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm, nhưng cô Thái dường như lúc nào cũng là “pháo thủ xuất sắc”, đóng góp tích cực vào phong trào của địa phương.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, thêm một lần cảm ơn, tri ân những nữ CCB quê tôi đã quên mình chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.  

Phú Yên, tháng 7-2022

Nguyễn Bá Thuyết