Ngay sau khi nhận giải ở 5 cơ quan - nơi nhà văn Minh Chuyên từng công tác và cộng tác gồm: Báo Thái Bình, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam và UBND xã Minh Khai huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình cũng đã đồng tổ chức “Lễ tôn vinh Nhà văn, đạo diễn cao cấp Minh Chuyên”.
Tại hội trường UBND xã Minh Khai - quê hương của tác giả. Hơn 300 đoàn gồm gần 600 đại biểu đại diện các cơ quan Đảng, Chính quyền, mặt trận đoàn thể, xã hội, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp cùng đông đảo khán giả, bạn đọc... đã về dự buổi lễ.
Ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; ông Phạm Văn Sinh - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã về dự, tặng hoa chúc mừng nhà văn Minh Chuyên.
Hơn 40 năm cầm bút, lao động nghệ thuật nhà văn Minh Chuyên chỉ tập trung viết và làm phim tài liệu về đề tài hậu chiến. Ông đã xuất bản 26 cuốn sách truyện ký, truyện ngắn, tiểu thuyết và biên kịch, đạo diễn hơn 200 tập phim tài liệu miêu tả chủ yếu số phận người lính về làng sau chiến tranh. Nhiều tác phẩm của Nhà văn Minh Chuyên từng gây xôn sao xã hội, được dư luận bạn đọc đánh giá cao như các tập truyện “Thủ tục làm người còn sống”, tập ký “Người lang thang không cô đơn”, tập truyện ký “Vào chùa gặp lại”... Tập truyện ký “Cha con người lính” của Minh Chuyên được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh do chính tác giả làm đạo diễn đạt giải Cúp vàng Quốc tế, trong liên hoan phim quốc tế lần thứ 10 tổ chức tại Triều Tiên năm 2006. Mười năm sau, năm 2017 tác phẩm “Cha con người lính” nằm trong cụm tác phẩm Điện ảnh của ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Trong buổi lễ, nhà văn Minh Chuyên đã trích hơn 100 triệu đồng tiền giải thưởng của ông tặng cho 7 quỹ của địa phương gồm: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ chất độc da cam, quỹ Hội chữ thập đỏ, quỹ khuyến học khuyến tài, quỹ vì người nghèo... Ông còn dành tiền thưởng tặng người có công, người có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi của dòng họ Nguyễn.
Đặc biệt các nhân vật tiêu biểu trong bút ký của nhà văn Minh Chuyên từng đăng trên Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam được mời lên sân khấu nhận quà tri ân gồm: Anh Trần Quyết Định (Liệt sỹ còn sống) và 3 thương binh trong tác phẩm “Thủ tục làm người còn sống”, anh Nguyễn Đình Thúc “Liệt sỹ còn sống” cùng 2 thương binh trong tác phẩm “Người không cô đơn” Sư thầy, thương binh Lương Thị Thân tức Đàm Thân và 4 nhà sư - từng là thanh niên xung phong, nạn nhân da cam chùa Quang Bình, huyện Kiến Xương trong tác phầm “Vào chùa gặp lại”... Lần đầu tiên các nhân vật có thật ngoài đời được mời lên sân khấu tặng quà.
Sự kiện tri ân của tác giả Minh Chuyên trích từ tiền giải thưởng của ông tặng cho các “Liệt sỹ còn sống”, thương bệnh binh, nạn nhân da cam... trong buổi lễ gây xúc động mạnh tới đông đảo quý khách tham dự hội nghị, nhiều người không cầm được nước mắt. Đây là một việc làm mang nét đẹp văn hóa “uống nước nhớ nguồn” của một nhà văn tri ân các nhân vật “người thật, việc thật” được viết trong tác phẩm của mình.
Nguyễn Khang