Tuần qua, dư luận trong nước bỗng dưng sôi sục với cái tên Lê Hoàng Anh Tuấn - người đã tổ chức một buổi tri ân mái trường ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An -nhưng lại tự mình trưng ra cái phông lớn với hàng loạt danh xưng như: "nhà báo quốc tế", thạc sĩ luật học, tiến sĩ danh dự Đại học Leeds Vương quốc Anh và Tổng biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế...
“Chói” mắt vì những danh xưng “khủng” nói trên, một số cơ quan báo chí vào cuộc điều tra. Thời đại 4.0, không khó để phát hiện “nhà báo quốc tế” này vừa được kết nạp vào Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 3-2019, chưa được cấp thẻ) sai quy định. Đại học Leeds từ Vương quốc Anh cũng thông báo cho báo chí Việt Nam biết: Không tìm thấy trong danh sách tiến sĩ danh dự của trường có cái tên nào là Lê Hoàng Anh Tuấn từ Việt Nam!
Tiếp nữa, cái mác “nhà báo quốc tế” sớm bị những nhà báo quốc tế thứ thiệt chỉ ra đó chỉ là tấm các-vi-dít rất... ất ơ mà một hiệp hội (cũng rất ất ơ và chưa tìm ra trụ sở in trên tấm thiệp) ở châu Âu.
Chức danh Tổng biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế hóa ra là của một hiệp hội tư nhân có đăng ký tận bên Cộng hòa Séc và không có website, với một số ấn phẩm chưa tường minh về chất lượng khoa học.
Thế mà, nhiều năm qua, với cái mác “nhà báo quốc tế”, ông Lê Hoàng Anh Tuấn nghễu nghện ngồi chủ trì nhiều hội thảo về báo chí cấp tỉnh và toàn quốc. Ông còn được “quan chức” của T.Ư Hội Nhà báo Việt Nam nâng đỡ, cho đi tháp tùng và được giới thiệu danh xưng “nhà báo quốc tế” rất trang trọng trong nhiều buổi làm việc với cấp Hội địa phương.
Ở chừng mực nào đó, có thể xem ông Lê Hoàng Anh Tuấn như một Xuân “tóc đỏ” của thời hiện đại. Ông ta không chỉ háo danh mà còn biết lợi dụng sự háo danh của người khác để trục lợi. Nhiều “quan chức” cấp cao có học hàm, học vị hẳn hoi đã “mặc kệ” cho ông ta diễn những trò lố lăng mà dư luận không thể chấp nhận.
Háo danh vốn là một “bệnh” của con người. Từ cổ chí kim đã ghi lại trong sử sách biết bao câu chuyện cười ra nước mắt về thói háo danh. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây đã để lại cho hậu thế “câu chuyện kinh điển” về thói háo danh, dù đã là “lãnh đạo tối cao” của một đất nước rộng lớn nhất thế giới, ông vẫn miệt mài sưu tập các loại huân chương và danh vị. Ông được tặng đến 114 loại huân chương, được phong Anh hùng Liên Xô mà vẫn còn “vơ vét” cả những giải thưởng văn học - nghệ thuật, một lĩnh vực mà rất nhiều người nghi ngờ về năng lực của ông.
Phòng, chống bệnh háo danh là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm. 92 năm trước, năm 1927, khi biên soạn tài liệu “Đường kách mệnh”, Bác Hồ đã chỉ ra 14 tiêu chuẩn cần có của một người cách mạng, trong đó có một tiêu chuẩn là “Không hiếu danh. Không kiêu ngạo”. Sau đó, năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người lại chỉ ra căn bệnh của người cộng sản khi nắm chính quyền là “mắc bệnh hiếu danh, bệnh ham danh địa vị, bệnh hình thức”. Những người mắc phải căn bệnh này đều có chung đặc điểm như: Ham địa vị, hay lên mặt, ưa người khác tâng bốc, khen ngợi mình; hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang, vênh váo, cho ai cũng không bằng mình; tự cho mình là anh hùng, vĩ đại, có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm; chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực…
Và trong đội ngũ cán bộ cấp cao của chúng ta hiện nay, không khó để nhận ra một bộ phận không nhỏ vẫn “sính” học hàm, học vị, chức danh dù không có thực lực. Có vị luôn tỏ thái độ tại hội nghị nếu Ban tổ chức giới thiệu thiếu chức danh (vốn dài lê thê) của mình.
Thói háo danh rất nguy hiểm. Háo danh sinh ra đủ thứ “chạy”: chạy chức, chạy quyền, chạy thành tích, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy điểm... Có cầu ắt có cung. Nhiều người đứng đầu đã sáng tạo ra đủ thứ chức danh để “bán” cho cấp dưới. Vì thế mới có chuyện một sở ở tỉnh Hải Dương có 46 người thì 44 người có chức danh lãnh đạo. Vì thế mới có những Bộ liên tục phình ra hết tổng cục này, tổng cục nọ, mặc cho Nghị quyết của Đảng về tinh giản biên chế, tổ chức.
Tháng 11-2018, phát biểu trong Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Công an T.Ư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Đừng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài lôi kéo đủ thứ, nhất là chúng ta có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, xu nịnh... Các đồng chí cũng cần nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương, đặc biệt là nêu gương của người đứng đầu. “Trên chẳng chính ngôi thì dưới chúng tôi hỗn hào”. Trên nghiêm mới nói được dưới, dưới sợ không dám làm".
Cho nên, nhân lúc dư luận quan tâm đến thói háo danh, nên chăng cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp tổ chức một cuộc vận động chống thói háo danh. Đây sẽ là việc làm thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XII của Đảng.
Nguyễn Hồng