CCB Hoàng Thanh Tới kẻ khẩu hiệu tuyên truyền ở làng Ngọc Liễu.

Báo tháng 6 - Xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình không mấy ai không biết ông Hoàng Thanh Tới; bởi lẽ ông là CCB dành nhiều tâm sức viết sách, viết báo và để lại những ấn phẩm, tư liệu về đất và người quê hương mình.

Từ bài thơ “Danh nhân Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm”...

Mùa hè năm 1966, thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân. Quân không thiếu một người”, được phát động ở khắp mọi làng quê Thái Bình, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Hoàng Thanh Tới và nhiều bạn bè cùng trang lứa đã nhập ngũ, vào Nam chiến đấu.

Mang trong mình truyền thống chống giặc ngoại xâm của quê hương, mà nhân vật tiêu biểu là Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm, Hoàng Thanh Tới đã chiến đấu, trưởng thành trong lửa đạn chiến tranh; được kết nạp Đảng tại mặt trận đúng kỷ niệm 79 năm Ngày sinh của Bác Hồ (19-5-1969).

Kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, năm 1976 Hoàng Thanh Tới ra quân, chuyển về làm cán bộ tuyên huấn Huyện ủy Hưng Hà. Năm 1979, chiến tranh lại nổ ra ở hai đầu đất nước, ông tái ngũ, làm trợ lý tuyên huấn Huyện đội Hưng Hà; sau đó được Quân khu 3 tuyển cử dự khóa 3 viết báo Quân đội, rồi về công tác tại Báo Quân khu 3.

Đất nước dần im tiếng súng, sau một thời gian công tác ở Báo Quân khu 3, ông được chuyển ngành về làm Phó Văn phòng tổng hợp UBND huyện Hưng Hà, làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện, và nghỉ hưu năm 1993.

Do yêu cầu của công tác tuyên huấn, viết báo, lại say sưa tìm hiểu truyền thống, đất và người Hưng Hà, đặc biệt là gương Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm, người con ưu tú của quê nhà, thời gian công tác ở các cơ quan huyện, CCB Hoàng Thanh Tới đã viết bài thơ “Danh nhân Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm”. Bài thơ được trình bày thành 5 khung kính và được thờ tại bàn thờ cụ Kỳ Đồng ở đình làng Ngọc Liễn... Ông còn lập bàn thờ có bài thơ “Danh nhân Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm” tại gia tư.

Tự hào với đất và người Hưng Hà, năm 1983, Quân khu 3 phát động viết truyện ký lịch sử về truyền thống cách mạng của quân và dân Quân khu, truyện ký “Bài ca cống Đào Thành” của Hoàng Thanh Tới vinh dự đoạt giải Nhì. Cũng thời gian nay, ông viết truyện ký “Cô giáo Hoàng Thị Thanh Mai” - nữ giáo viên là con một liệt sĩ. Cô Mai bị thương bởi bom na-pan, tay co quắp, nhưng tự vượt khó vươn lên trong học tập; rồi tự mở lớp học mầm non, tiến tới mở Trường mầm non Hồng Lĩnh (ở Hưng Hà). Từ phản ánh của công luận và bài viết của CCB Hoàng Thanh Tới đã góp thêm tư liệu để Huyện ủy, UBND huyện Hưng Hà khảo sát, đề nghị và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cô Hoàng Thị Thanh Mai.

Đến “Bảng chiến tích Làng kháng chiến Ngọc Liễn”

Quá trình công tác cả trong Quân đội cũng như ở các cơ quan tuyên huấn, văn hóa Hưng Hà, ông Hoàng Thanh Tới đã có 198 bài báo viết về gương người tốt, việc tốt, được đăng ở các báo T.Ư và địa phương.

Ngày 17-7-2019, được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, CCB Hoàng Thanh Tới đã hoàn thành việc xây dựng “Bảng chiến tích làng kháng chiến Ngọc Liễn”, ghi lại sự kiện ngày 14-1-1953, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ xã Văn Cẩm, cán bộ, du kích và nhân dân xã đã đánh bại cuộc càn “Cái bừa” của quân Pháp hòng tiêu diệt làng kháng chiến Ngọc Liễn. Bảng chiến tích ghi danh các cán bộ, đảng viên tiêu biểu góp phần làm nên chiến thắng.

Có thể vẫn còn những chi tiết của Bảng chiến tích cần tiếp tục nghiên cứu, xác minh tính chính xác, vì sự kiện đã diễn ra cách đây gần 70 năm; nhưng giá trị lưu giữ, giáo dục truyền thống cách mạng quê hương là đáng trân trọng.

Là Hội viên Hội Văn nghệ Thái Bình, mặc dù đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm”, nhưng ông vẫn đam mê viết báo, vẫn là cộng tác viên của một số tờ báo ở mảng tin bài viết về Nông thôn mới.

Bài viết này được thực hiện khi CCB Hoàng Thanh Tới đã từ trần. Xin được gửi tới vong linh của ông như nén tâm nhang của những đồng nghiệp nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Duy Nguyễn