Báo tháng 6 - Hồi tháng 2-2021, cơ quan chức năng “bắt tại trận” và khởi tố một phóng viên của Báo Nhân Dân vì hành vi cưỡng đoạt tài sản của một người dân. Sự việc lập tức gây xôn xao làng báo nước nhà, bởi Báo Nhân Dân là báo lớn, Cơ quan ngôn luận của Đảng.

Trước nay, chuyện “tống tiền” của nhà báo thường chỉ được gán và hay xảy ra ở các tờ báo nhỏ, phải tự chủ tài chính. Nhưng chuyện một phóng viên Báo Nhân Dân bị khởi tố vì tống tiền, đã gióng lên một hồi chuông báo động, về sự xuống cấp của đạo đức báo chí!

Vấn đề đặt ra là: Báo chí đã khó khăn đến mức “đói ăn vụng, túng làm liều” hay chưa?

Nhìn về tổng thể, đại dịch Covid-19 đã phủ màu đen lên nền kinh tế của tất cả quốc gia, các thành phần kinh tế đều gặp khó khăn, trong đó có báo chí. Ở Việt Nam, mặc dù nước ta giữ được tăng trưởng kinh tế ở mức 2,91% năm 2020, một kỳ tích trong bức tranh kinh tế thế giới, nhưng thu nhập của người lao động bị giảm sút là điều không ai phủ nhận. Đặc biệt, thu nhập của các nhà báo giảm rất mạnh do nguồn thu của các cơ quan báo chí đều sụt giảm. Nguồn thu từ việc phát hành báo in đã và đang tụt dốc không phanh trong nhiều năm gần đây do không cạnh tranh được với báo điện tử và mạng xã hội. Nguồn thu thứ hai đến từ quảng cáo cũng sụt giảm nghiêm trọng, cũng bởi sức hấp dẫn của các mạng xã hội, các nền tảng kỹ thuật số xuyên biên giới.

Một vị lãnh đạo Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã chia sẻ: Đài truyền hình nọ, được một mạng xã hội ký hợp đồng 50 tỷ đồng mỗi năm khi cho phép mạng xã hội này chia sẻ thông tin của họ. Lúc đầu, đài truyền hình này rất phấn khởi, vì bỗng dưng có được một nguồn thu khá lớn, còn việc chia sẻ thông tin thì ở Việt Nam ta vốn có truyền thống miễn phí từ lâu.

Nhưng niềm vui “chẳng tày gang” thì nguồn thu của họ từ quảng cáo cứ sút giảm theo từng năm, kể từ ngày thông tin của họ được chia sẻ trên mạng xã hội. Các doanh nghiệp đổ dồn về quảng cáo trên mạng xã hội chứ không quảng cáo trên truyền hình nữa. Đến đây thì đài truyền hình đã biết mình bị hớ nặng, nhưng hiện vẫn chưa biết “gỡ” bằng cách nào...

Trước tình hình trên, hiện nhiều nước trên thế giới bắt đầu thay đổi chính sách để buộc các “gã khổng lồ Internet” như Google, Facebook... phải trả tiền bản quyền cho báo chí. Rõ ràng, thông tin báo chí chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trên xa lộ thông tin của mạng xã hội, nhưng đó là dòng thông tin chất lượng cao, được kiểm chứng, là dòng chủ lưu ở hầu hết các quốc gia.

Tuy nhiên, “cuộc chiến” đòi công bằng cho báo chí không hề đơn giản. Như ở Úc, Chính phủ còn bị “gã khổng lồ” chặn thông tin trên mạng xã hội này khi rục rịch ban hành một quy định buộc Facebook phải trả tiền cho báo chí nước này. Từ đó cho thấy, để báo chí “đòi” được phí bản quyền từ tay các hãng công nghệ là rất khó khăn. Có lẽ, phải có một cuộc cách mạng về nhận thức trên toàn cầu thì báo chí mới đạt được công bằng trong “cuộc chiến” cơm áo với các hãng công nghệ xuyên biên giới.

Ở Việt Nam, nhà báo còn có một khoản thu nhập thực tế là phong bì “ăn trưa” từ các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Khi nền kinh tế chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đều có một khoản kinh phí dành để tiếp đón báo chí.

Khoản này không lớn nhưng cũng không nhỏ, đến khi buộc phải “thắt lưng buộc bụng” nhằm đối phó với đại dịch thì đây là một trong những khoản bị cắt bỏ. Hơn nữa, với lý do đại dịch phải áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp xúc, các cuộc gặp gỡ báo chí dù chủ động hay bị động cũng đều được cắt giảm ở mức tối đa. Đặc biệt, với một bộ phận nhà báo “đếm tầng”, cơ quan báo chí “sớm đăng, trưa gặp, chiều gỡ” thì bị sụt giảm thu nhập nặng do ảnh hưởng của đại dịch.

“Cơm áo không đùa với khách thơ”. Cơm áo cũng không đùa với...nhà báo. Ở nước ta có giai đoạn phát triển tràn lan các cơ quan báo chí. Rất nhiều cơ quan báo chí tuy ít số lượng phóng viên chính thức lại rất đông cộng tác viên và nhân viên phát hành - quảng cáo, nhưng lại thiếu sự quản lý của cơ quan chủ quản, sự lãnh đạo của tổ chức đảng ở chính cơ quan đó, nên không ít trường hợp trở thành “sâu”. Tình trạng này cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế báo chí. Bởi “chiếc bánh” mà xã hội dành cho báo chí là có giới hạn, trong khi những người sống nhờ “chiếc bánh” ấy không ngừng tăng cao và khó kiểm soát.

Rõ ràng, việc quy hoạch để quản lý các cơ quan báo chí là việc làm cần thiết. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực để xiết chặt việc quy hoạch, quản lý báo chí. Kết quả đạt được bước đầu rất quan trọng, nhất là tình trạng dọa dẫm, tống tiền doanh nghiệp và người dân đã giảm. Nhưng những biến tướng của việc quy hoạch vẫn còn. Ví dụ, nhiều báo điện tử được quy hoạch lại thành tạp chí điện tử nhưng chỉ thay đổi tên gọi, còn nội dung, phương thức hoạt động không thay đổi. Thật khôi hài khi một tạp chí điện tử của một hội liên quan đến lĩnh vực xuất bản nhưng lại cập nhật từng giờ, từng phút những chuyện “tình, tiền, tù, tội, cướp, giết, hiếp”....

Hiện nay, Chính phủ có chương trình đặt hàng báo chí một số nhiệm vụ tuyên truyền thiết yếu. Chương trình này rất quý đối với các cơ quan báo chí trong bối cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, “chiếc phao” này cũng chỉ giúp các cơ quan báo chí một phần rất nhỏ, hơn nữa không khéo sẽ là phiên bản “xin - cho” của thời kỳ mới. Hai giải pháp căn cơ cho kinh tế báo chí vẫn là tinh gọn lực lượng lao động báo chí và tăng giá trị của “hàng hóa” thông tin - một dạng hàng hóa rất đặc biệt.

Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thông tin báo chí phải trở thành một hàng hóa đúng nghĩa, hàng hóa đầy đủ. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế cho báo chí hoạt động trong cơ chế thị trường rất quan trọng. Và càng trong cơ chế thị trường thì càng phải chăm lo xây dựng tổ chức đảng ở các cơ quan báo chí.

Ở đâu có hạt nhân lãnh đạo mạnh thì cơ quan báo chí ở đó phát triển bền vững. Xây dựng Đảng cũng là một giải pháp phát triển kinh tế là vì lẽ đó. Ở tầm nhìn vĩ mô, có thể thấy sự xuống cấp đạo đức và sụt giảm thu nhập của báo chí có nguyên nhân từ sự buông lỏng lãnh đạo của Đảng.

Không phải không có tình trạng, tổ chức Đảng ở các cơ quan báo chí hoạt động một cách hình thức, chiếu lệ... Đó chính là nguyên nhân cụ thể, trực tiếp của tình trạng này.

Nếu Đảng ta không nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật này thì chuyện cơm áo của báo chí sẽ thành chuyện chính trị quốc gia đại sự, làm méo mó một hoạt động chính trị - tư tưởng cực kỳ quan trọng của đất nước.

Hồng Chuyên