Tác giả (bên phải) lên biên giới động viên chiến sĩ biên phòng Đồn Cà Roòng ở chốt kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19.

Báo tháng 6 - Mặc dù đã có hàng trăm bài báo được đăng trên các báo của Trung ương và địa phương, trong đó có hơn chục bài được nhận giải trong các cuộc thi của một số tờ báo có tên tuổi ở Trung ương, nhưng chưa bao giờ tôi tự nhận mình là nhà báo. Đơn giản vì tôi chưa được qua đào tạo ở một trường lớp báo chí cơ bản nào. Nói đúng ra, cái danh xưng “Nhà báo” rất cao quý ấy, tôi được nhận từ lâu rồi, hồi còn ở trong quân ngũ.

Dạo ấy đơn vị giao cho tôi phụ trách tờ báo tường của đại đội. Các bài văn xuôi đầu trang được lính ta gọi là “xã luận”, rồi các bài thơ "con cóc"... qua sự nhào nặn kỳ công của “tổng biên tập”, cộng với cách trình bày đẹp nên hầu hết các cuộc thi báo tường của trung đoàn, đơn vị tôi đều đoạt giải cao. Bởi vậy khi Quân khu triệu tập lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, tôi được tham gia ngay.

Rồi bài báo đầu tiên tôi viết về gương người tốt việc tốt của cặp vợ chồng người lính được đăng trên báo Quân đội nhân dân (trang Hậu phương chiến sỹ), tuy chỉ nhỏ bằng bàn tay nhưng đã gây xôn xao trong đơn vị. Tuy tiền nhuận bút chỉ bằng một phần mười tiền khao anh em, nhưng ai cũng vui, và tôi được phong là “Nhà báo đại đội” từ ngày ấy.

Từ một bài báo nhỏ, tôi trở thành cộng tác viên tích cực của Báo Quân khu, Báo Quân đội nhân dân, rồi gần đây là Báo Cựu chiến binh Việt Nam. Rất tự hào. Đặc biệt từ khi bén duyên với các báo, tôi tham gia tích cực các cuộc thi như: “Kỷ vật kháng chiến”, “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, “Sâu nặng ân tình”... hầu như cuộc thi nào cũng có giải, năm nào tôi cũng có giải. Mỗi lần ra Hà Nội công tác, gặp anh em báo chí ngoài ấy, ai cũng hỏi: Anh lại ra nhận giải à ? Thú thực trong lòng tôi vui lắm.

Có được vinh dự ấy, đối với một “Nhà báo cấp đại đội” như tôi không phải ngẫu nhiên, mà bằng tâm huyết và chăm chỉ. Ví như trong cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” từ năm đầu tiên đến nay, có thể nói tôi đã nhiều lần “lên rừng xuống biển” để tìm gương sáng. Bởi gương càng sáng thì càng ẩn mình rất kín, rất sâu, như đi tìm ngọc. Phải chịu khó đào bới, tìm tòi, khai thác. Có khi tìm thấy rồi, mừng như bắt được vàng nhưng suýt để vàng rơi, vì nhân vật không bao giờ kể về những việc mình đã làm. Lại phải thông qua cầu nối là đồng nghiệp, bạn bè, vợ con họ để vẽ nên chân dung của người muốn viết. Đó cũng là trường hợp nhân vật chính trong bài “Bí thư chân đất” và “Trưởng bản 3 cùng”. Tôi đã lên tận miền biên giới xa xôi, gặp đồng bào dân tộc thiểu số, gặp bộ đội Biên phòng để nghe họ kể về ông Bí thư huyện ủy và ông Trưởng bản hết lòng vì dân.

Chuyện hơi dài dòng một tý để nói rằng, muốn có một bài báo có chất lượng tốt thì phải đi nhiều, khai thác được nhiều tư liệu để có tính khách quan hơn.

Và trong những lần đi như vậy, chút nữa tôi bị vướng vào một chuyện rắc rối, liên quan đến đạo đức người làm báo. Hôm đó, nhận lời mời của đồng đội ở một huyện miền núi, cậu ta bảo gặp để cung cấp thông tin. Tôi khoác cái áo nhiều túi, bà con ta thường gọi là “áo phóng viên”, cùng cái máy ảnh cũ kỹ treo trước bụng, để chụp mấy tấm ảnh làm kỷ niệm.

Tới quê bạn, đi qua một ngôi trường xây dựng đã xong, thấy trước sân trường có cây phượng nở hoa đỏ rực đẹp quá nên ghé vào chụp vài kiểu cho vui. Rồi lại thấy ngôi trường đã xây xong nhưng học trò nghỉ hè nên chưa sử dụng, có cái cầu thang xinh xinh nên cũng bấm thêm vài kiểu nữa. Bên cạnh cầu thang là bức tường quét màu xanh lam rất đẹp nhưng lại có mấy đường nứt rất sâu. Tôi thấy hơi áy náy nhưng cũng không chụp làm gì...

Đang ngồi uống nước với đồng đội thì tôi nhận được cú điện thoại số lạ, đầu dây bên kia muốn gặp để nói chuyện gì đó. Tôi tới điểm hẹn ở quán cà phê, một người tự xưng là giám đốc công ty, muốn mua cái máy ảnh của tôi với giá gấp nhiều lần so với giá thực của máy. Đương nhiên là tôi không bán, phần vì chưa hiểu vì sao họ muốn mua cái máy ảnh của mình đắt thế; phần vì chiếc máy ảnh này của cha tôi tặng tôi. Sau này tôi mới biết là người ta tưởng tôi là “phóng viên chống tiêu cực”.

Thì ra là thế... Của đáng tội là lâu nay tôi thường viết về “Người tốt việc tốt” như “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, còn những “Người xấu việc xấu” không phải là thế mạnh nên tôi chưa viết được. Bởi vậy mấy đứa bạn thường bảo tôi vẫn chân chất như “nhà báo đại đội” hồi nào.

Tôi thì tôi nghĩ đến giờ là một CCB tôi vẫn viết được báo, vẫn có tòa báo cần tôi viết báo chính là nhờ cái chất “nhà báo đại đội” đó.

Xuân Vui