Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thành công tốt đẹp với việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong bộ máy hành pháp, thì ở bộ máy lập pháp, kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV cũng đang được chuẩn bị để tìm ra những người đại diện cho ý chí, nguyện nguyện vọng của nhân dân xây dựng hệ thống luật pháp của đất nước ngày càng hoàn thiện hơn.
Ngoài những đại biểu được Đảng và chính quyền đề cử thông qua sự tuyển lựa chặt chẽ cả về phẩm chất lẫn tư cách đạo đức và kinh nghiệm công tác, còn có một tỷ lệ không nhỏ đại biểu tự ứng cử. Ủy ban bầu cử TP. Hà Nội cho biết đến ngày 13-3 đã tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội của 87 người, trong đó có 40 hồ sơ được các cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử và 47 hồ sơ tự ứng cử. Các địa phương khác như TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng cũng có tỷ lệ tự ứng cử khá cao.
Tự ứng cử là quyền của mỗi công dân. Ông Nguyễn Văn Pha-Phó chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã khẳng định: “Theo quy định của pháp luật, người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử bình đẳng như nhau trước pháp luật và trước cử tri”.
Với tư cách là người tham gia công tác bầu cử nhiều năm, đồng thời là đại biểu Quốc hội, ông Pha cho rằng: “Những người tự ứng cử có trình độ, có đạo đức, có uy tín, một lòng vì nước vì dân thì cơ hội trúng cử sẽ rất cao”.
Tuy nhiên, cũng phải thấy bên cạnh những người tự ứng cử với mong muốn được đứng trong cơ quan lập pháp để đóng góp tài năng cho nước, cho dân, cũng lại có không ít người tự ứng cử “thử xem thế nào”; thậm chí còn có cả những người cơ hội chính trị lợi dụng để tự tiến cử bản thân với ý định thách thức dư luận và các cơ quan chính quyền, nhằm tạo tiếng vang, gây danh hão cho bản thân. Thậm chí có cả những người "tự ứng cử" do bị giật dây, điều khiển bởi những tổ chức dân chủ hải ngoại tự xưng. Điển hình như Nguyễn Quang A, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Thúy Hạnh, Đặng Bích Phượng... Trong đó người "tiên phong" là Nguyễn Quang A - một trong những người đang được báo chí hải ngoại tâng bốc lên thành “lãnh tụ phong trào dân chủ quốc nội”.
Thay vì góp ý thẳng thắn với tinh thần xây dựng để đất nước phát triển, thì dường như Nguyễn Quang A chỉ chăm chăm tìm ra những khuyết điểm, sai lầm vốn dĩ tồn tại trong cơ chế quản lý bộ máy nhà nước, hay ở một số cán bộ thoái hóa biến chất rồi phóng đại xuyên tạc sự thật, đổ lỗi cho những thiếu sót, khuyết điểm đó là bản chất của chế độ ta để bôi xấu hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.
Một trong những nội dụng mà Nguyễn Quang A xuyên tạc là, ông ta cho rằng tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam rất tồi tệ. Sự thật thì không phải như xuyên tạc của ông ta.
Ai cũng thấy tôn giáo ở Việt Nam được tự do phát triển. Các tôn giáo từ Phật giáo, Công giáo đều được Nhà nước khuyến khích phát triển, người dân tự do hành lễ, viếng chùa... mà không bị ai cản trở, cấm đoán. Không những vậy, chúng ta còn đạt những thành tựu đáng kể, quan trọng về xóa đói, giảm nghèo; người dân có đầy đủ quyền lợi học hành, phát triển bản thân.
Những thành tựu đó không phải do "ta khen ta", mà được quốc tế công nhận thông qua việc Việt Nam đã chính thức trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ từ năm 2013 với số phiếu cao nhất. Ấy vậy mà những vị đang ứng cử “đại biểu quốc hội” như Nguyễn Quang A vẫn bất chấp sự thật hiển nhiên này, tham gia nhiều cuộc họp, hội nghị do các tổ chức chống cộng hải ngoại dàn xếp để làm cái việc gọi là “tố cáo tình trạng mất nhân quyền, vi phạm tự do tôn giáo của Việt Nam".
Điều đó cho thấy ông Nguyễn Quang A chưa bao giờ có ý muốn xây dựng, đóng góp ý kiến của mình để phát triển đất nước một cách thực tâm như đúng vai trò của một người đại biểu nhân dân. Mà mục đích chính của ông ta là chống phá, xuyên tạc, bôi xấu hình ảnh của đất nước nhằm "ghi điểm" với các tổ chức chống cộng ở hải ngoại.
Chửi chế độ rồi tự ứng cử đại biểu Quốc hội để gây tiếng vang chính là chiến thuật mà Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Trần Khải Thanh Thủy... đã từng sử dụng trước đây để có được suất định cư ở Mỹ (nhờ sự bảo kê của các tổ chức hải ngoại). Giờ đây những người như Nguyễn Quang A lại đang áp dụng nhằm đạt được dã tâm chính trị của mình.
Động cơ mưu cầu tư lợi cá nhân của Nguyễn Quang A cùng với một số vị tự ứng cử “đại biểu quốc hội” đã quá rõ ràng. Với thời đại mở cửa và sự tự do thông tin ngày nay, các ông vẫn cứ diễn mãi những vở tuồng cũ rích như thế thì lừa phỉnh được ai?
Lê Chí Dũng