Là một người làm báo, tôi thường viết về đề tài bảo tồn di tích lịch sử văn hóa (LSVH). Điều tôi quan tâm là các di tích LSVH được bảo vệ như thế nào, có bị vi phạm không, công tác bảo tồn tôn tạo ra sao… Đối với di tích QGĐB Thành Cổ Loa, cũng vậy, mối quan tâm của tôi cũng không nằm ngoài những vấn đề đó.
Thỉnh thoảng tôi lại về Cổ Loa khảo sát, thu thập tài liệu, điều tra thực địa. Tôi nhận thấy, ở đây công tác bảo tồn di tích còn lỏng lẻo, thậm chí có những điểm còn thiếu cơ sở pháp lý, nên qua thời gian và tác động của con người, di tích bị ảnh hưởng, xâm hại. Mặt khác, do hơn nửa thế kỷ, di tích không được QHTT nên “vô tình” đã gây cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa cứ hô hào, treo biển cấm đoán người dân không được vi phạm di tích LSVH. Người dân cũng chỉ biết chấp hành chung chung, còn quy định mốc từ đâu đến đâu, không được vi phạm đền, thành, chùa, miếu… thì không ai biết. Khổ nhất là những gia đình có sổ đỏ, có quyền xây nhà trên đất hợp pháp của mình nhưng không dám xây vì sợ “vi phạm” vào di tích. Đây không phải là quy hoạch “treo” mà là “treo”quy hoạch. Cả chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa và di tích đều chịu ảnh hưởng, chịu thiệt hại từ cái nạn “treo” này. Ba khu vực bảo vệ (K1, K2, K3) theo quy định của Luật Di sản chưa được “luật hóa” ở di tích Thành Cổ Loa.
Giữa năm 2014, một lần về xã Cổ Loa, tôi vào thăm Nhà trưng bày di tích QGĐB đặt ở đây. Trong lúc trò chuyện với một nữ nhân viên nhà trưng bày về công tác bảo tồn di tích, cô thốt lên: “Di tích bị xâm hại đau xót lắm, anh ạ. Do không được cắm mốc giới trên thực địa”. Không được cắm mốc giới trên thực địa? Tôi như người đang chết đuối vớ được cọc vì đây là một thông tin quý như vàng, một thông tin “độc” đối với người làm báo! Đúng rồi: Đây là nguyên nhân của nguyên nhân di tích Thành Cổ Loa suốt bao năm qua không được bảo vệ một cách hiệu quả. Chính cơ quan nhà nước lại không thực hiện đúng luật, đúng cam kết do mình đặt ra. Hình như chưa có tờ báo nào nói về chuyện này-một phát hiện khiến tôi rất vui!
Ngay sau đó, tôi đã làm những phóng sự điều tra về tình hình bảo tồn di tích QGĐB Thành Cổ Loa. Tôi đã gặp chính quyền địa phương, làm việc với Trung tâm bảo tồn Di sản Hoàng Thành Thăng Long, Viện Khảo cổ học, hỏi chuyện các chuyên gia văn hóa, các nhà sử học… Và tất cả đều công nhận việc chưa cắm mốc giới trên thực địa do chưa QHTT là một thực tế có thật ở di tích QGĐB Thành Cổ Loa. Và tất cả đều mong muốn Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt QHTT cho di tích này, theo đó “hạt nhân” là cắm mốc giới trên thực địa. Dư luận cho rằng, nếu việc này được thực hiện từ 20-30 năm trước, thì di tích vô giá Thành Cổ Loa đã tránh được những thiệt hại không đáng có. Từ đây, tôi nghĩ, thưc trạng này có thể không chỉ xảy ra với di tích QGĐB Cổ Loa, mà còn với một số di tích LSVH khác trên đất nước ta? Ngành Văn hóa cần có một cuộc rà soát vấn đề QHTT các di tích LSVH.
Các bài phóng sự điều tra của tôi được đăng trên các Báo Bảo vệ pháp luật, Người cao tuổi, CCB Việt Nam góp tiếng nói cùng đồng nghiệp báo chí cả nước trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc nói chung, di tích Thành Cổ Loa nói riêng. Tôi không biết những bài báo của tôi đã có tác động dẫn tới việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt QHTT di tích QGĐB Thành Cổ Loa không? Nhưng, trong niềm vui chung của mọi người về đây dự hội, tôi có niềm vui nho nhỏ của riêng mình!
Tháng 2-2016
Nguyễn Minh Nguyên