
Nhập ngũ năm 1964, năm Mậu Thân 1968, ông sa vào tay giặc và bị đày ra đảo Phú Quốc, mãi đến năm 1973 mới được trở về với đồng đội...
Sau ngày nước nhà thống nhất, ông Minh đã dày công tìm tòi, học hỏi nghiên cứu kỹ thuật sản xuất đá mỹ nghệ. Đầu năm 1987, ông Minh mở cơ sở sản xuất - kinh doanh và đào tạo nghề tại số 53 đường Huyền Trân Công Chúa (quận Ngũ Hành Sơn). Ông trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn cả lý thuyết, thực hành và dạy nghề điêu khắc đá cho hàng trăm người. Học trò được ông chu cấp toàn bộ chi phí ăn, ở, quần áo và hỗ trợ thêm mỗi tháng 600.000đ/người, với thời gian đào tạo từ 2-3 năm, ra nghề đảm nhiệm được vị trí thợ cả, thợ chính.
Khu sản xuất của ông rộng hàng ngàn mét vuông, với gần 40 lao động, ngày ngày nhộn nhịp như một công trường lớn. Ông mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại và nhiều công đoạn được thi công bằng máy móc. Đá nguyên liệu là loại đá cẩm thạch, mua từ Nghệ An và Thanh Hoá. Sản phẩm có hàng trăm chủng loại với rất nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. Có bức tượng cao tới 7 mét, nặng 21 tấn, giá bán gần 1 tỷ đồng. Sản phẩm của ông đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như Đức, Pháp, Mỹ, Ca-na-đa. Đặc biệt, ông còn là một tấm gương sáng về lòng nhân ái và nổi bật với nhiều hoạt động nhân đạo - từ thiện. Ông dành toàn bộ lương thương binh (hạng 2/4) ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa và các chương trình xoá nghèo của phường Hòa Hải. Ngoài ra, mỗi năm ông đóng góp hàng chục triệu đồng cho các hoạt động văn hoá, thể thao và khuyến học tại địa phương...
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM