Già làng A Lào tiên phong xây dựng công trình nước sạch để dân làng lấy nước sinh hoạt.

Chiến tranh đã qua đi, nhưng những vết thương, cái chết do bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh đã trở thành nỗi ám ảnh của mỗi người dân ở khu vực Ngọc Hồi - Đăk Tô, nơi diễn ra những trận chiến đấu ác liệt.

Trở về sau những năm quân ngũ, quê hương đã thanh bình, những chàng thanh niên A Lào vẫn phải chứng kiến nỗi đau của dân làng do bom, mìn còn lẩn khuất trong lòng đất, gốc cây, bụi cỏ.

“Một buổi chiều mình chả nhớ rõ năm nào, cả làng đang sinh hoạt bình thường thì bất ngờ nghe tiếng nổ lớn. Người ta kéo nhau ra gốc le cuối làng thì thấy 2 người đàn ông nằm gục bên vệ đường, bên cạnh vẫn còn cái gùi đựng mấy quả đạn M79. Dân làng mỗi người một tay đưa họ về nhà tổ chức đám ma” - già A Lào nhớ lại.

Lúc bấy giờ cuộc sống người dân còn đói nghèo, lạc hậu. Ngoài khai khẩn đất đai, làm ruộng, để cải thiện cuộc sống nhiều người dân chấp nhận đối mặt với nguy hiểm, đi vào nơi chết chóc để tìm sự sống, đó là nghề tìm vỏ bom, đạn để bán phế liệu.

Là người từng đi qua chiến tranh, hơn ai hết già A Lào biết rõ nỗi đau của bom đạn. Vậy rồi già bỏ mấy ngày lên rẫy, đi hỏi thăm người dân khu vực có bom mìn. Sau đó một mình già cầm ngang cây rựa đi thẳng ra khu sản xuất. Mấy ngày sau những khoảnh rừng có bom mìn đã được già khoanh vùng, cắm cọc cảnh báo. Rồi già lại một mình cuốc bộ về huyện đội báo cáo các khu vực có bom để công binh đến xử lý.

Mặt khác, già A Lào đến nhà rông dùng than vẽ đầy lên vách hình thù các loại bom bi, đạn M79, mìn bộ binh… Trong những buổi họp làng, già đều chỉ lên vách giảng giải về độ nguy hiểm của nó và khuyến cáo dân làng hễ nhìn thấy chúng thì phải tránh xa.

Nhờ thế, những thương vong do bom mìn ngày một ít dần, màu xanh của nương rẫy ngày một lan rộng, cuộc sống của người dân ngày một ấm no.

Hồng Lam