“Vang, dền, nền, nẩy” Đến làng Duệ Đông, thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh không ai là không biết nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế, người được mệnh danh là anh Cả của làng, ông là một người đầy nhiệt huyết, đã có những đóng góp quan trọng trong việc khôi phục, phát triển quan họ gốc truyền thống. Hiện nay, ở làng Duệ Đông chỉ còn có duy nhất hai nghệ nhân nổi tiếng là ông Nguyễn Thừa Kế (93 tuổi) và ông Nguyễn Văn Đắc (89 tuổi). Hai ông được biết đến như là người giữ lửa, thuần thục về các kĩ năng hát quan họ và tràn đầy tâm huyết trong việc gìn giữ và phát huy những làn điệu quan họ cho thế hệ trẻ. Ngay từ nhỏ, ông Kế đã được ông bà, cha mẹ truyền đạt tình yêu đối với những làn điệu quan họ đằm thắm, mượt mà. Với niềm đam mê sẵn có, cộng với chất giọng cao, vang, giờ đây, ông Kế đã trở thành nghệ nhân lão làng của các làn điệu quan họ cổ. Ông Kế cho biết, để hát được quan họ cổ, trước hết phải là người đam mê quan họ, có chất giọng tốt: vang, dền, nền, nẩy. Phải hội tụ đủ bốn yếu tố này thì mới hát được chuẩn và đúng. Quan họ cổ khác với quan họ hiện nay ở chỗ, hát quan họ cổ thường không có nhạc đệm, chủ yếu là hát “chay”. Khi hát, cần phải có đôi, có cặp, giọng của hai người phải đều, êm để đỡ và bổ sung cho nhau. Để hai người có thể hát đôi được với nhau, họ phải tập luyện mất rất nhiều thời gian. Hát quan họ không như hát các thể loại khác, giọng của hai bên phải hợp nhau, âm điệu phải giống nhau, làm sao để người nghe cảm thấy hai người hát mà như một. Ông chia sẻ: “Tôi với ông Đắc là một đôi hát rất ăn ý, để có thể hát cùng nhau như ngày hôm nay, chúng tôi phải tập luyện với nhau rất lâu từ trước, trong quá trình tập luyện thì hai người có thể hiểu được điểm mạnh và yếu trong giọng hát của nhau, từ đó bổ sung, hỗ trợ cho nhau thêm”. Cả cuộc đời gắn bó với quan họ cổ Ông Kế cho biết, số lượng các bài quan họ cổ không nhiều, hiện nay chỉ có khoảng 20 đến 30 bài hát. Do vậy, việc truyền dạy lại những câu hát quan họ cho con cháu, những thế hệ sau là điều cả đời ông mong mỏi. Tại thôn Duệ Đông, chính quyền địa phương đã thành lập câu lạc bộ quan họ nhằm gìn giữ và khôi phục những làn điệu dân ca truyền thống. Câu lạc bộ có khoảng 30 thành viên do ông trực tiếp phụ trách. Thành viên cao tuổi nhất đã bước sang tuổi 93, còn người nhỏ nhất mới chỉ lên 10 tuổi, nhưng tất cả đều có chung niềm đam mê với quan họ, hết lòng trong việc lưu giữ những nét đẹp văn hóa quan họ. Trong làng hiện nay, những thanh niên đam mê hát quan họ còn khá ít, nên việc gìn giữ nét văn hóa này cũng gặp nhiều khó khăn. Ông tâm sự, việc tập luyện cho các em nhỏ khá vất vả, cần phải kiên trì, cách luyến láy câu từ, âm điệu phải thật chuẩn ngay từ đầu. Tập hát đúng giai điệu bài hát phải mất khá nhiều thời gian, có khi lên tới 10 ngày các em mới hát đúng được. Nói về lòng nhiệt huyết đối với quan họ của nghệ nhân, ông Long, người cùng làng ông Kế cho biết: “Ông Kế tuổi đã cao nhưng vẫn rất nhiệt tình tập luyện cho các cháu nhỏ trong làng, bất kì ai có nhu cầu học hát là ông sẵn sàng truyền dậy, ông có thể bàn luận cả ngày về quan họ mà không biết mệt”. Lễ hội Lim vừa qua, ông Nguyễn Thừa Kế cũng tham gia hát trong việc xác lập kỷ lục quốc gia “Nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh” với hơn 3.500 liền anh, liền chị cùng tham gia, nhằm vinh danh cộng đồng các làng quan họ và bảo tồn phát triển dân ca quan họ Bắc Ninh - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống cần rất nhiều thời gian, công sức tập luyện. Nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế, người giữ lửa cho những làn điệu quan họ cổ, luôn mong muốn mang những lời ca, câu hát đến với tất cả mọi người. Phương Uyên (TH)