Một lần, tôi có hỏi hỏi Đại tá Nguyễn Văn Chuyên rằng trong 7 năm làm nhiệm vụ dẫn đường cho máy bay của ta chiến đấu với không quân Mỹ, thời gian nào là ấn tượng hơn cả. Ông lặng im một lúc, mắt nhìn như đang đếm từng sợi khói của ly trà thơm trước mặt rồi bộc bạch:
Đó là giữa năm 1966, không quân ta mới được trang bị máy bay MiG-21, sau mấy tháng chiến đấu, ta đã tìm ra cách đánh, cách dẫn đường phù hợp, phá tan nhiều đội hình ném bom của F-105 Mỹ. Riêng tháng 12-1966, MiG-21 đã chiến đấu và bắn rơi 10 chiếc F-105 của địch, trở về an toàn. Chỉ có một thắc mắc là sao không gặp máy bay tiêm kích F-4. F-4 đi đâu? Ta không biết rằng trong thời gian này Mỹ tập trung huấn luyện cho F-4 tại Thái Lan để không chiến với MiG-21 của ta. Sáng ngày 2-1-1967, trời đầy mây, địch cho 32 chiếc F-4 vào khu vực sân bay Nội Bài với độ cao 10km phục sẵn. Ra-đa cảnh giới của ta không phát hiện được. Tiếp theo là một tốp 24 chiếc F-105 nghi binh bay vào như mọi lần ở độ cao từ 5.000 đến 6.000m. Ra-đa cảnh giới và dẫn đường của ta đều phát hiện tốt. Tư lệnh Phùng Thế Tài ra lệnh cất cánh 8 chiếc MiG-21 (2 biên đội 4 chiếc) để đánh 24 chiếc F-105. Nhưng khi đội hình MiG-21 rời sân bay xuyên lên khỏi mây thì bị F-4 phục trên cao lao xuống đánh, 5 chiếc MiFG-21 của ta rơi ngay ở đầu phía tây sân bay Nội Bài. Người lái đều nhảy dù an toàn. Nguyên nhân MiG-21 cất cánh bay tới gần Phúc Thọ, tốc độ còn nhỏ, những chiếc F-4 ở tư thế mai phục trên cao, tốc độ cao, cho nên MiG-21 phải quay về sân bay, tức thì F-4 bám theo phóng tên lửa. Đây là trận thua nặng nhất của MiG-21 trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ.
Rút kinh nghiệm trận đánh trước, chúng tôi đã nghiên cứu một phương án dẫn đường với lực lượng 4 biên đội MiG-17 gồm 16 chiếc và 2 biên đội MiG-21 gồm 4 chiếc, cất cánh từ 3 sân bay Gia Lâm, Nội Bài và Hòa Lạc. Đây là trận đánh lớn nhất từ trước thời điểm đó. Về phân chia khu vực chiến đấu, chúng tôi để 2 biên đội MiG-21 đánh vòng ngoài, từ Suối Rút, tỉnh Hòa Bình đến Mộc Châu, tỉnh Sơn La lên biên giới Việt-Lào; 3 biên đội MiG-17 đánh từ vòng hỏa lực tên lửa bảo vệ Hà Nội đến Suổi Rút; biên đội MiG-17 của bạn đánh từ khu vực Nội Bài đến Ba Vì, Hà Nội.
Chuẩn bị xong, tôi báo cáo với Trưởng phòng Không quân, Bộ Tham mưu quân chủng. Đồng chí suy nghĩ hồi lâu rồi nói ý là không thể sử dụng lực lượng lớn như vậy mà chỉ đánh nhỏ và vừa, cất cánh 8 máy bay. Tôi đề nghị chỉ đánh một lần với lực lượng lớn thôi nhưng vẫn không được chấp thuận. Với một niềm tin cao nhất, tôi xin gặp rồi trình bày phương án với Tham mưu trưởng quân chủng Đào Đình Luyện. Tham mưu trưởng nói: Tôi nhất trí với phương án của Chuyên, nhưng không quyết định được. Vậy Chuyên lên gặp trực tiếp với Tư lệnh Phùng Thế Tài. Tôi lại đi báo cáo rồi phấn khởi đến rơi nước mắt vì được Tư lệnh đồng ý ngay mà chỉ sửa một điểm là để biên đội MiG-17 của bạn chỉ đánh và hoạt động ở khu vực sân bay Nội Bài cho đến bắc sông Hồng, không được sang Ba Vì. Bởi ta và bạn không cùng chung ngôn ngữ dễ đánh nhầm phải nhau.
Sau khi hiệp đồng với các đơn vị xong thì trời cũng chuyển giai đoạn từ sương mù nhiều mây sang nắng ấm. 11 giờ trưa ngày 19-4-1967, có một tốp trinh sát F-4 bay qua Hà Nội. Tôi đoán máy bay Mỹ sẽ đánh vào buổi chiều và bay từ Hòa Bình vào Hà Nội như phương án tôi chuẩn bị. Vì buổi chiều theo đường Hòa Bình, xuôi hướng mặt trời địch dễ thấy mục tiêu từ xa.
Đến 13 giờ 30 phút, tôi nhận được tin: từ 14 đến 14 giờ 30 phút có một đợt đánh phá của địch vào phía nam Hà Nội. Tôi liền hiệp đồng bổ sung với các trung đoàn không quân và đề nghị mở ra đa dẫn đường theo kế hoạch. Khi ra-đa dẫn đường báo nhiễu cường độ 1 tôi đề nghị chỉ huy cho biên đội MiG-21 cất cánh ở sân bay Nội Bài. Sau 3 phút thì 2 biên đội MiG-17 ở sân bay Gia Lâm và Nội Bài cất cánh. Biên đội MiG-21 gặp tốp F-4, quần nhau một hồi nhưng không bắn được nhau, rồi MiG-21 về hạ cánh an toàn. Biên đội MiG-17 ở sân bay Gia Lâm lên do đồng chí Mẫn làm Biên đội trưởng phát hiện tốp máy bay F-105 với 36 chiếc ở khu vực chợ Bờ, Hòa Bình, liền bắn rơi tại chỗ một chiếc, giặc lái nhảy dù, 35 chiếc còn lại vội vàng quăng bom lung tung để bay ra. Lúc này, 2 biên đội MiG-17 ở sân bay Hòa Lạc và Gia Lâm tiếp tục cất cánh theo kế hoạch. Tôi dẫn đường cho biên đội MiG-17 của đồng chí Quang Trung từ sân bay Hòa Lạc vào khu vực nam Hòa Bình đánh bọn cứu giặc lái. Biên đội đã bắn rơi thêm 1 chiếc F-105 và 2 chiếc AD-6. Trận đánh kết thúc, ta an toàn và bắn rơi 4 máy bay Mỹ. Khí thế của bộ đội Không quân lên cao. Từ ngày 19-4 đến 22-5-1967, Không quân ta đánh 14 trận và bắn rơi 29 máy bay Mỹ. Năm 1967, tôi dẫn đường cho phi công MiG-17 và MiG-21 bắn rơi 59 máy bay địch, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.
Bài và ảnh:
Xương Giang