Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đặt ra nhiệm vụ: “Phải coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm ASXH, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn, suy giảm…”.
Với quan điểm đó, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hình thành một hệ thống ASXH bao phủ toàn dân nhằm bảo đảm để người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu; tham gia BHXH, bảo đảm hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi thu thập thấp, người khuyết tật nặng, người nghèo…); bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin), góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội.
Đề cập đến những chính sách an sinh xã hội trong năm 2015, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Năm 2015, sẽ tiếp tục thực hiện những chính sách ASXH đã có của năm 2014. Đồng thời, triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách về vấn đề việc làm, vấn đề dạy nghề, vấn đề BHXH và vấn đề an toàn lao động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và thực hiện việc chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng người có công nói chung. Trên cơ sở đó, các đối tượng được hưởng chính sách sẽ tăng cả về mức, tăng cả về số lượng và được thực hiện đầy đủ, đúng theo đối tượng. Đặc biệt, Bộ có chỉ đạo việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với đối tượng người có công, năm 2015 là năm giải quyết những tồn đọng. Thông qua việc tổng rà soát sẽ phát hiện để tới cuối năm 2015, những đối tượng có công còn tồn động cơ bản phải được giải quyết.
Để đạt được mục tiêu mà Đảng đã đề ra, trước mắt, cần tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể như: Bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; Phát triển bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu. Cùng với đó, công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước, tuyên truyền và hợp tác quốc tế về ASXH sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc thực hiện ASXH; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về ASXH; huy động nguồn lực của toàn xã hội. Đổi mới quản lý nhà nước về ASXH trên cơ sở thống nhất đầu mối quản lý các chương trình, chính sách ASXH kết hợp với đẩy mạnh việc phân cấp thực hiện, tăng cường hiệu quả cung cấp dịch vụ, đồng thời, hiện đại hóa, tin học hóa công tác quản lý đối tượng ASXH, xây dựng bộ chỉ số ASXH và Báo cáo quốc gia về ASXH; Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực quốc tế, hợp tác chuyên gia, phát triển các dự án kỹ thuật và kinh nghiệm chuyên gia trong thí điểm các chính sách, chương trình mới và nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện ASXH.
Mai Anh