***Tặng lai số tiền đấu giá hai bức ảnh “Cập bến” và “Lướt trên ngọn sóng” cho các chiến sĩ hải quân đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa.


Ngày 28-4-2018, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (T.P Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) triển lãm 75 bức ảnh về Chủ đề Biển đảo của Tổ quốc do cá nhân ông Đỗ Khánh Vân chụp. Triển lãm được 3 cơ quan chức năng đồng phối hợp tổ chức là Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Hội văn học Nghệ thuật TP Thái Nguyên và Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam cùng kết hợp hỗ trợ nguồn quỹ mang tên “Không xa đâu Trường Sa ơi”. Buổi khai mạc có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các Ban, Ngành, đoàn thể của tỉnh Thái Nguyên, cùng bạn bè, đồng nghiệp của tác giả và các tầng lớp nhân dân đến dự.
Triển lãm kết thúc vào cuối ngày 5-5-2018 và thành công tốt đẹp, đã thu hút được hàng hàng trăm lượt khán giả đến tham quan và có một đơn vị, cá nhân đặt mua một số kiểu ảnh triển lãm.
Được biết, tháng 1-2018, ông Đỗ Khánh Vân cùng Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên đến quần đảo Trường Sa công tác. Trước khi đi ông đã chuẩn bị tinh thần, rèn luyện sức khỏe khi đã ở tuổi 64 lần đầu tiên được ra đảo và chuẩn bị máy móc chu đáo để tác nghiệp…; với gần 30 năm “bấm máy” chuyên nghiệp, với bản lĩnh của người CCB, ông rất tự tin để chụp được những bức ảnh giá trị về nội dung mang tính chân thực về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ ngoài biển đảo. Trong thời gian hơn 20 ngày đêm vượt sóng gió, thời tiết rét đậm, sóng to, biển động… ông chẳng ngại ngùng và đã vượt qua. Tới quần đảo Trường Sa, ông Đỗ Khánh Vân cùng Đoàn công tác đến được 12 điểm đảo và ông chụp được hàng vài trăm bức ảnh, ghi lại những cảnh đẹp về thiên nhiên ở biển và quần đảo Trường Sa. Đặc biệt giá trị hơn là những bức ảnh nói lên cảnh sinh hoạt, sự chịu đựng, tinh thần hy sinh quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của cán bộ, chiến sỹ Hải quân, nơi tiền tiêu của Tố quốc.
Trong số 75 bức ảnh được ông chọn ra từ vài trăm bức ảnh để triển lãm, mỗi bức đều có giá trị và được mang tên đúng với ý nghĩa của nó như: Mắt đảo, Tâm sự, Đất nước nơi đầu sóng ngọn gió, Chân dung người lính biển, Lời chào quyết thắng… Nhiều bức ảnh thu hút người xem như “Nhật ký hải trình”, “Những nhành hoa trên đảo”, “Xuân về trên đảo xa”, “Vườn rau đảo Tiên Nữ”, “Bài ca không quên”… Đặc biệt nổi trội hơn là 2 bức ảnh “Cập bến” và “Lướt trên ngọn sóng”, được đấu giá 10,3 triệu đồng; tác giả đã gửi tặng các chiến sỹ hải quân đang công tác ở Trường Sa để mua máy lọc nước biển cho chiến sỹ nơi đây sử dụng. Toàn bộ 75 bức ảnh trưng bày ở triển lãm cũng được tác giả gửi tặng lại các điểm đảo mà ông đã đặt chân tới và chụp ở đó. Với ý tưởng là ông động viên các cán bộ, chiến sỹ những nơi đây yên tâm bảo vệ bình yên cho Biển, Đảo của Tổ quốc Việt Nam, cũng là thể hiện tấm lòng của ông với biển đảo của đất nước.
Cơ duyên đưa ông Đỗ Khánh Vân đến với đam mê chụp ảnh: năm 1972, tròn 18 tuổi, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ rồi vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Gần 20 năm, ông công tác ở Trường Hạ sỹ quan xe tăng thuộc Binh chủng Tăng – Thiết giáp. Nhiều năm ông làm công tác tuyên huấn của đơn vị, ông tự mày mò chụp ảnh từ những ngày ấy để phục vụ cho công tác truyền thông. Năm 1990, ông phục viên về gia đình sinh sống tại T.P Thái Nguyên. Từ đó ông chụp ảnh dịch vụ, nếu có thời gian lại đi các vùng miền chụp ảnh nghệ thuật về cuộc sống lao động, sinh hoạt đời thường của cá nhân và cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đặc biệt những cảnh đẹp về thiên nhiên của quê hương, đất nước… Năm 2009, tác phẩm ảnh “Được mùa” đoạt giải Nhất Cuộc thi ảnh Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Năm 2010, ông đoạt Huy chương Bạc tại liên hoan ảnh nghệ thuật Khu vực miền núi phía Bắc – với tác phẩm “Mẹ yêu”. Ngoài ra ông còn đoạt nhiều Giải Ba, Khuyến khích ở các Cuộc thi ảnh cấp Tỉnh. Năm 2017, tác phẩm ảnh “Em bé và đôi chân” được chọn đi dự thi ảnh nghệ thuật Quốc tế. Từ đó đến nay ông càng nỗ lực, đam mê, thể hiện ở việc “đi và đi – đến và đến” với bà con dân tộc thiểu số và miền núi và đặc biệt là đến vùng biển đảo của đất nước.Đỗ Thị Hồng Vân