Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo nhiều nhà phân tích, quyết định này của Tổng thống Mỹ dường như trước hết chỉ để phủ nhận mọi thành quả của người tiền nhiệm Obama - “ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông”, hệt như trường hợp rút khỏi TPP. Ông cũng muốn thể hiện sự ủng hộ đối với Israel và Saudi Arabia - những kẻ thù truyền kiếp của Iran. Ông Trump còn muốn người dân Mỹ thấy rằng ông là người luôn giữ chữ tín, do trong chiến dịch tranh cử ông đã nhiều lần khẳng định sẽ rút Mỹ ra khỏi JCPOA. Cuối cùng, với tuyên bố sẵn sàng đàm phán lại thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran, ông còn muốn cho thiên hạ thấy tài thương thuyết của mình.Động thái này đồng nghĩa với việc Washington sẽ tái áp đặt các lệnh cấm vận Tehran - vốn từng được dỡ bỏ dưới thời cựu Tổng thống Obama và tăng cường trừng phạt tài chính Iran. Đồng nghĩa hàng trăm doanh nghiệp của hàng chục quốc gia chỉ có 6 tháng để dừng mọi giao dịch làm ăn với quốc gia Trung Đông này, nếu không cũng sẽ bị Washington trừng phạt.
Trừ Israel, Saudi Arabia và một vài đồng minh vùng Vịnh của Mỹ, đa số các nước đều tuyên bố “lấy làm tiếc” trước quyết định của Tổng thống Mỹ, đồng thời thể hiện quyết tâm bảo toàn thỏa thuận hạt nhân Iran. Các nước cũng bày tỏ lo ngại, việc ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân sẽ gây ra nguy cơ xung đột tại Trung Đông và phủ bóng đen lên thị trường dầu mỏ thế giới. Đáng ngại nhất, việc Mỹ rút khỏi JCPOA nhiều khả năng sẽ khiến Iran có bước đi tương tự, tái khởi động chương trình hạt nhân, khiến thỏa thuận lịch sử đạt được năm 2015 này trở nên vô nghĩa.

Ông Trump từng nói mình là người không thích đánh bạc, song việc rút Mỹ ra khỏi JCPOA sẽ là “canh bạc” mạo hiểm nhất mà ông từng chơi. Do ông chưa đề ra được cách xử lí đối với vấn đề hạt nhân Iran, qua đó có thể tạo nên một vòng xoáy căng thẳng mới tại Trung Đông, khu vực vốn nóng bỏng từ nhiều năm nay.

Đăng Song