Cùng với sự phát triển của các đô thị, khu công nghiệp, ngành dịch vụ - du lịch..., những trụ sở doanh nghiệp, trung tâm thương mại, tòa nhà chung cư cao tầng tại khu vực thành thị xuất hiện ngày một nhiều. Việc bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự là việc không thể thiếu trong ổn định hoạt động của từng đơn vị. Để đáp ứng nhu cầu đó, số lượng người lao động làm nghề bảo vệ tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây.

Công việc bảo vệ không quá nặng nhọc nhưng cần trách nhiệm cao, mang lại trật tự và bình an cho xã hội, cho cộng đồng. Đặc biệt trong thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, mặc dù là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh do phải tiếp xúc với nhiều người, nhưng các nhân viên bảo vệ đã góp phần mang lại an ninh, an toàn cho các tòa nhà cơ quan, chung cư... Tuy nhiên, chế độ trả lương của đa số người lao động làm công việc này chưa tương xứng với trách nhiệm của họ. Nhiều công ty có đăng ký giấy phép kinh doanh về dịch vụ bảo vệ, được Ban quản lý các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, bệnh viện... thuê, thường trả lương cho người lao động theo giờ và thấp hơn so với quy định chung.

Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng ở vùng I từ ngày 1-7-2022 là 4.680.000 đồng/tháng hoặc 22.500 đồng/giờ.Theo Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, thời giờ làm việc bình thường không quá 48 giờ trong 1 tuần thì người lao động ở vùng I được nhận mức lương tối thiểu theo giờ: 22.500 đồng x 48 giờ x 4 tuần = 4.320.000 đồng/tháng, so với mức lương tối thiểu theo tháng thấp hơn 360.000 đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết nhân viên bảo vệ nhận mức lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu do làm việc quá thời gian quy định của pháp luật để đảm bảo cuộc sống. Nắm được “điểm yếu” này của người lao động, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng để “lách” luật, tránh bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau: Phạt từ 40 đến 60 triệu đồng đối với vi phạm từ 1 đến 10 người lao động; từ 60 đến 100 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 đến 50 người lao động; từ 100 đến 150 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

Tại đa số khu đô thịở T.P Hà Nội, giá thuê nhân viên bảo vệ thường ở mức khoảng 16.000 đồng/giờ. Để hưởng lương 5 triệu/tháng, người lao động phải làm việc từ 10 giờ đến 12 giờ/ngày, tương đương 60 giờ đến 72 giờ/tuần. Ngoài ra, người lao động không được hưởng thêm chế độ nào, nghỉ ngày nào trừ tiền công ngày đó.

Nhưng, điều mà các nhân viên bảo vệ lo lắng nhất là tình trạng mất an toàn cháy nổ và bị kẻ gian lấy trộm tài sản của những người đang làm việc hoặc sinh sống tại đây. Anh Đỗ Quốc Hoàn - cựu quân nhân đang làm bảo vệ cho một chung cư ở khu vực phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cho biết: “Nếu không may gặp phải trường hợp xảy ra mất xe của dân cư, Ban quản lý tòa nhà lại không đứng ra hỗ trợ khách hàng và người lao động, thì chúng tôi chỉ còn nước tự nghỉ việc vì không có khả năng đền bù”.

Đối tượng lao độngthường được các công ty kinh doang dịch vụ bảo vệ ưu tiên tuyển dụng là những CCB, cựu quân nhân - những người đã được rèn luyện trong môi trường quân ngũ, có tính kỷ luật, đã được trang bị một số kỹ năng cần thiết phù hợp với công việc bảo vệ. Trong đó, một số người đã có lương hưu nên công ty không phải lo khoản đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động.

CCB Nguyễn Quyết Thắng - bảo vệ một bãi trông xe ở khu vực phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự: “Trước đây tôi lái xe trong quân đội, tuy đã có lương hưu, nhưng để cải thiện cuộc sống, tôi làm thêm từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng, tính ra là hơn 15.000 đồng/giờ. Có việc cần nghỉ thì báo trước công ty để bố trí người. Nghỉ ngày nào không tính lương ngày đó. Bảo vệ được coi là công việc phổ thông nên người làm việc lâu năm hay người mới vào đều hưởng mức lương như nhau”.

Còn đối với CCB Nguyễn Văn Khởi, 54 tuổi, quê Thái Bình, không có lương hưu, làm bảo vệ cho một chung cư tại khu vực Mễ Trì (Hà Nội) với mức lương khoảng 8 triệu cho 26 ngày làm việc/tháng. Đổi lại, thời gian làm việc của anh là 24 giờ/ngày, nơi ăn ở ngay tại hầm trông xe ngột ngạt của tòa nhà. Chấp hành quy định không được nấu nướng, với mức sống đắt đỏ của thành phố, mỗi ngày anh chỉ dám chi 50.000 đồng để mua cơm bình dân, cũng làm anh tiêu tốn 1,3 triệu đồng/tháng. Môi trường sống ô nhiễm bởi khói xăng xe, những suất cơm không đủ no, nhưng vì khó tìm được việc ở quê nên anh chấp nhận cuộc sống xa nhà để có thu nhập ổn định.

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp tìm hướng kinh doanh, tạo việc thêm nhiều việc làm cho lao động là điều đáng khích lệ. Mặc dù, quan hệ lao động là sự thỏa thuận trên cơ sở quan hệ bình đẳng giữa các bên, nhưng phải dựa trên các quy định của pháp luật để tránh tình trạng “bóc lột sức lao động” của người làm thuê, mà cụ thể là những lao động làm nghề bảo vệ.

Hồ Thanh Hương