Sáng ngày 11-6, Nghị trường "nóng" lên với việc cho thuê đất trồng rừng. * Các vấn đề cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trồng rừng; về đảm bảo nông dân có lãi 30% trở lên so với giá thành sản xuất lúa gạo nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), Lê Như Tiến (Quảng Trị) mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát bằng câu hỏi trực tiếp vào việc cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trồng rừng trong thời gian 50 năm trong khi dân còn thiếu đất. Theo đại biểu Lê Như Tiến, việc cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuê đất trồng rừng là “lợi bất cập hại.”
Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết sau khi tiến hành kiểm tra, đánh giá, bộ có chủ trương tiếp tục cho nước ngoài thuê đất trồng rừng nữa không và biện pháp nào để người dân sống được bằng nghề rừng...
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết vấn đề này bộ đã có báo cáo gửi Quốc hội với số liệu tổng hợp cụ thể tới cuối năm 2009. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thông tin hiện có 10 địa phương đã xem xét và có văn bản chấp thuận các dự án đầu tư trên tổng diện tích 305.353ha. Nhưng đây mới là chấp thuận chủ trương, còn trên thực tế mới có văn bản giao cho thuê trong 50 năm là 15.664ha. Đồng ý để liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nông dân với các nhà đầu tư là trên 18.160ha.Thực tế các nhà đầu tư đã trồng trên 15.183ha và khoanh nuôi trên 542ha...Bộ trưởng cho rằng thông tin Chính phủ đã cho thuê trên 300.000ha là chưa chính xác, thực tế là mới cho thuê dài hạn 15.664ha.
Theo Bộ trưởng, theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai, việc xem xét cho thuê đất cũng như chấp thuận các dự án đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp là thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, vì thế các bộ chỉ có ý kiến khi được các dịa phương có yêu cầu.
Ngay sau khi các địa phương có báo cáo, bộ đã kiểm tra ở hai địa phương và được biết các địa phương thực hiện nghiêm túc theo quy định luật pháp hiện hành, có xem xét khía cạnh kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.
Bộ trưởng cho biết khi trao đổi lãnh đạo Lạng Sơn đã khẳng định các dự án đã được xem xét kỹ các khía cạnh chứ không chỉ thuần túy về kinh tế.Sau khi có ý kiến của nhân dân, bộ đã cùng các bộ liên quan kiểm tra và có báo cáo tổng hợp.
Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục kiểm tra không chỉ trong lĩnh vực trồng rừng mà cả trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Các bộ luôn cố gắng cao nhất làm rõ vấn đề để có chủ trương tiếp theo dù Chính phủ không giao thời hạn báo cáo.
Không đồng tình với cách trả lời lòng vòng trên, các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết và Lê Như Tiến đề nghị Bộ trưởng Phát tiếp tục làm rõ về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài; trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu khi phát hiện ra những bất hợp lý và có dấu hiệu sai phạm...
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết các địa phương đã có giấy chứng nhận đầu tư không có nghĩa là toàn bộ diện tích 305.353ha đã được giao cho các nhà đầu tư. Trên cơ sở giấy này, các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát từng khu đất cụ thể và chỉ giao đất khi có đủ điệu kiện, tức là không phải đã có chủ quản lý, không đáp ứng yêu cầu khác.
Các địa phương đã có thiếu sót là khi cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ căn cứ vào thông tin khảo sát sơ bộ nên đã có nơi bao gồm cả diện tích giao đã giao cho một số ít nông dân, thậm chí là đã giao cho dự án khác... Nhưng sau khảo sát, những diện tích đó sẽ được loại ra.
Đại biểu Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội đã đưa ra những thông tin dựa trên những khảo sát của Ủy ban tại một số địa phương với những con số chênh lệch khá xa so với con số báo cáo của Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Đại biểu Lê Quang Bình cho biết sau khi có thông tin trên báo chí, ủy ban đã đi khảo sát một số địa phương. Hiện nay, toàn quốc có 19 dự án nước ngoài được cấp phép ở trồng rừng ở 18 tỉnh với diện tích trên 398.374ha chứ không phải 305.353ha như bộ báo cáo.
Tuy nhiên về đặc điểm của đất giao, trong báo cáo của bộ không nói rõ, nhưng theo đại biểu Bình, hầu hết đều nằm ở vị trí, khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh, có khu vực là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) tỏ ra bức xúc trước những thông tin mà đại biểu Quốc hội đưa ra và cách trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Đại biểu Xuân nhấn mạnh Bộ trưởng nói rằng chỉ có dự kiến cho thuê hơn 300.000ha, chứ không phải đã cho thuê nhưng nếu dư luận không phát hiện kịp thời thì đương nhiên sẽ là cho thuê. Việc đình chỉ cho thuê là ngoài ý muốn của Bộ trưởng, là do dư luận và Quốc hội lên tiếng.
Trả lời đại biểu Nguyễn Đình Xuân, Bộ trưởng cho biết Bộ Nông nghiệp được giao trách nhiệm quản lý về rừng. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao trách nhiệm quản lý về đất. Trong trường hợp này, các địa phương cho thuê đất chứ không cho thuê rừng. Vì thế, các địa phương không hỏi ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khi cho thuê đất. Khi có ý kiến của dư luận, Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp báo cáo Chính phủ và Quốc hội. Bộ trưởng nhấn mạnh:“Rõ ràng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải có trách nhiệm cùng với các thành viên khác trước những vấn đề có liên quan của đất nước. Bộ luôn nhận trách nhiệm của mình nhưng cũng không thể làm những việc không đúng thẩm quyền,”.
Chia sẻ với Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết các quy định phân cấp theo Luật Đầu tư đã tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cũng qua phân cấp nhiều vấn đề đã nảy sinh như sân golf, trồng rừng, khai thác khoáng sản. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát lại những mặt được, chưa được theo phân cấp để làm tốt hơn công tác thu hút đầu tư nước ngoài và quản lý Nhà nước.
Các đại biểu Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Danh Út (Kiên Giang) và nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết giải pháp của bộ để đảm bảo nông dân có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất lúa. Bởi Nông dân vẫn chưa có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất lúa.
*
**Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các địa phương xác định chi tiết các loại chi phí giá thành lúa trong đó có các chi phí lao động như: sửa bờ, gieo sạ, bón phân, làm cỏ, bơm nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, dưỡng lúa, gặt, vận chuyển, tuốt lúa, phơi lúa, công khác...
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã xác định giá thành lúa vụ Đông Xuân 2009-2010 trung bình 2.600-3.000 đồng/kg. Với giá lúa trên thị trường khoảng 4.000 đồng/kg, mức lãi của nông dân đã gần 30% giá thành.
Tuy nhiên, đại biểu Danh Út cho biết Các cơ quan chức năng của Chính phủ tính giá thành sản xuất lúa, bình quân 3.000 đồng/kg, giao các doanh nghiệp mua 4.000 đồng/kg và cho rằng như vậy nông dân lãi 30%.Đại biểu Danh Út cho rằng cách tính như vậy là chưa đúng, chưa đủ, còn nhiều bất cập.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì hướng dẫn các địa phương cách tính. Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn về việc này. Các địa phương cần chủ động tiến hành và báo cáo về Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để có căn cứ làm việc với hiệp hội xác định giá mua.
"Nhưng đúng như đại biểu Danh Út nói, sản xuất lúa gạo ở ngay phạm vi một tỉnh cũng rất khác nhau, giữa các hộ gia đình cũng có giá thành khác nhau. Nhưng thị trường là một và giá trên thị trường là một, chúng ta không thể có giá cho từng hộ gia đình, thậm chí cho từng tỉnh. Giá tốt nhất có thể đem lại tốt nhất cho nông dân là giá tiệm cận thế giới chứ chúng ta không thể đặt ra giá để doanh nghiệp mua có lợi cho nông dân nhưng lỗ trên thị trường quốc tế,” .Chính phủ và bộ làm là thực hiện các biện pháp để giá trong nước tiệm cận với giá thế giới; đồng thời hỗ trợ nông dân giảm giá thành để có lợi nhuận cao hơn.. *Chiều ngày 11-6, với 17 lượt câu chất vấn, “nóng” nhất vẫn là vấn đềtổ chức các lễ hội và quản lý trò chơi trực tuyến (game online) * Các đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), Trần Thị Quốc Khánh (đại biểu Hà Nội) phản ánh, dư luận bất bình về nhiều lễ hội phô trương, biến tướng, tốn kém. Tổng chi phí cho các lễ hội hiện nay là bao nhiêu?Bộ trưởng cho biết, sẽ làm việc cụ thể với Bộ Tài chính để thống kê về số tiền tiêu tốn của khoảng 8.000 lễ hội trong cả nước hiện nay. Vì thế, Bộ trưởng xin được trả lời đại biểu bằng văn bản sau. “Có chuyện lãng phí, thương mại hóa trong việc tổ chức một số lễ hội. Tuy nhiên, vấn đề này đã được phân cấp cho địa phương quản lý”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phân trần. Vẫn theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, để chấn chỉnh tình trạng này cần đổi mới cơ chế, cách thức tổ chức lễ hội. Nhà nước đứng ra tổ chức, nhưng cần đẩy mạnh xã hội hóa, tiến hành kiểm kê, phân loại từng lễ hội để quản lý một cách tốt nhất. “Đến ngày 15/6/2010, chúng tôi sẽ có báo cáo tổng kết việc tổ chức mùa lễ hội vừa qua để rút kinh nghiệm” Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) về vấn đề tiền công đức, “tiền giọt dầu” , Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, bản thân ông đã chứng kiến cảnh tượng nhiều nơi giắt tiền vào tượngPhật, thảtiền xuống giếng nước… diễn ra ở một số địa phương. “Khi thấy hiện tượng này, tôi đều trực tiếp trao đổi với nhà chùa, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương để ngăn chặn việc này. Thông qua đây, tôi thiết tha đề nghị những người đi lễ hội nên chấm dứt việc này”. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang tích cực soạn thảo Nghị định của Chính phủ về việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn để có quy chuẩn cụ thể, tránh lãng phí, phô trương, hình thức. Với các chất vấn về việc quản lý game onlineđộc hại, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương như thế nào của các đại biểu Phạm Phương Thảo( TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh), Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phú Thọ), Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết đã nắm được những tác hại mà trò chơi này gây ra. Tuy nhiên, đây là vấn đề có sự quản lý liên ngành cùng các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo… Làm rõ thêm vấn đề, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho hay, đây là vấn đề được cả xã hội quan tâm, nhất là ở các thành phố lớn. Do đó, BộThông tin và Truyền thông đang phối hợp với các bộ, ngành khác ban hành văn bản, chế tài kiểm tra xử lý vi phạm của các đại lý game online và internet, xử lýcơ sở vi phạm, chỉ đạo xây dựng mạng xã hội Việt Nam (www.goonline.vn) để cư dân mạng giao lưu, giải trí lành mạnh và cập nhật thông tin. Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, Bộ đang hoàn chỉnh báo cáo về vấn đề này để gửi đại biểu, đồng thời sửa đổi Thông tư 60 để quản lý tốt hơn game online. “Phương châm sửa đổi của chúng tôi là “3 quản, 1 nâng”. Đó là, quản lý giờ chơi, người chơi, nội dung chơi và nâng mức xử phạt cao để đủ sức răn đe”, người đứng đầu ngành Thông tin truyền thông khẳng định. Bức xúcvề vấn đề này, với tư cách là nhà quản lý giáo dục, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đăng đàn phân tích, theo khảo sát tại 5 thành phố lớn, có đến 77% trò chơi trên mạng mang tính bạo lực, 14% là bóng đá, đua xe và 9% là cờ bạc. Điều trăn trở nhất của Phó Thủ tướng là đối tượng nhỏ nhất như học sinh tiểu học cũng có đến 2/3 chơi ít nhất1 lần/tuần. “Có học sinh cấp 2 ngồi chơi liên tục 24h/ngày vì đại lý này bán cả đồ ăn cho các em, trong khi quy định cấm việc này”.Trong vấn đề này, trách nhiệm gia đình rất quan trọng vì hầu hết các em chơi game bằng tiền bố mẹ cho. Nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá: "Hiếm có phiên nào sôi động, tập trung, kịch tính như vậy, các ý kiến góp chân thành". Chủ tịch Quốc hội đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng NN&PTNT là chân thành, cầu thị, cái gì làm được thì sẽ cố gắng, cái gì chưa làm được thì nhận khuyết điểm. Tuy nhiên, “nhiều vấn đề hóc búa Bộ trưởng trả lời chưa được rõ lắm”. Kết luận phần chất vấn đối với Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ trưởng đã có nhiều cố gắng, chuẩn bị kỹ, trả lời tự tin nhưng một số vấn đề còn chung chung. Chủ tịch Quốc hội góp ý, chúng ta không phê phán lễ hội, thậm chí còn khuyến khích phát triển những lễ hội lành mạnh, góp phần vào tôn vinh vàlàm sâu sắc hơn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng mặt khác chúng ta cần cảnh báo mặt trái, biến tướng của lễ hội, việc lợi dụng lễ hội để làm những việc không lành mạnh, phản văn hóa. “Bộ trưởng cũng đã thấy vấn đề, mong Bộ trưởng tiếp thu để có bước tiến mới, phát huy tốt hơn nữa vai trò quản lý lĩnh vực văn hóa”, Chủ tịch Quốc hội kết luận. THANH LÂM