Nước sạch đến với người dân vùng cao tỉnh Tuyên Quang

Ủy ban Nước Liên Hợp quốc (UN-Water) vừa công bố chủ đề cho Ngày nước thế giới năm 2019 là “Nước cho tất cả - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của thế giới giai đoạn 1015-2030 thì mục tiêu số 6 là nước sạch và vệ sinh. Điều này có nghĩa là không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình toàn thế giới hướng đến các mục tiêu cụ thể về nước. Nhưng thực tế hiện nay, vẫn còn hàng tỷ người chưa được tiếp cận với nguồn nước sử dụng an toàn, trong đó có các hộ gia đình, trường học, nơi làm việc, trang trại và nhà máy đang vật lộn để tồn tại và phát triển.

Cùng với việc tiếp cận về điều kiện vệ sinh, tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng và điều này là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. Không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi rất nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn.

Tại Việt Nam, triển khai việc rà soát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhiều con số cho thấy các nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề nước.

Tính đến tháng 6-2017, tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt khoảng 84,5% (tăng 1% so với cuối năm 2016); tỷ lệ thất thoát khoảng 23% (giảm 0,5% so với cuối năm 2016). Trong 7 năm (2010-2016), tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh ở cả nước tăng 2,9%, từ 90,5% lên 93,4%, trung bình mỗi năm tăng được 0,41% và theo tốc độ này thì ước tính phải đến năm 2032 mới đạt được mục tiêu 100% số hộ có nguồn nước hợp vệ sinh. Cấp nước sạch nông thôn trong nhiều năm qua đã được ưu tiên đầu tư, thông qua nhiều chương trình, dự án từ nhiều nguồn kinh phí. Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 43,5%.

Năm 2016, hơn 64% khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn quy định về xử lý chất thải rắn và nước thải, 54% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải. Đến năm 2017, có 41 nhà máy xử lý nước thải tập trung đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 950.000 m3/ngày đêm; tỷ lệ nước thải được thu gom xử lý đạt khoảng 12% và khoảng 50 nhà máy xử lý nước thải đang trong quá trình thiết kế, thi công với tổng công suất thiết kế khoảng 2,2 triệu m3/ngày đêm.

Trong tổng số 781 đô thị thì chỉ có 44 đô thị có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định (đạt 5,63% năm 2016). Như vậy, mục tiêu đặt ra cho đến năm 2030 là khá tham vọng và thách thức.

Để đảm bảo việc sử dụng nước được hiệu quả, bền vững, thời gian qua, công tác điều tra tài nguyên nước được chú trọng và tăng cường. Chính phủ đã tập trung tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra công tác quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2020-2035 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đang được xây dựng và hoàn thiện...

Dương Sơn