Năm 1963, Lê Hồng Huân, chàng thanh niên Hà Nội tạm biệt nghề lắp máy tại Nhà máy Bia Hà Nội để nhập ngũ, lên đường đánh Mỹ và được biên chế thuộc Đại đội 4, Trung đoàn ô tô vận tải 245 Tổng cục Hận cần. Sau một thời gian học lái xe và làm Trợ giáo tại Trường Lái xe 255, Lê Hồng Huân xin được trở lại đơn vị cũ, đang làm nhiệm vụ trên “đất lửa” Quảng Bình - Quảng Trị, đảm trách vận tải trên các tuyến đường 12, 128, 129 và đường 9.

Khi Bộ Tư lệnh 559 thành lập Binh trạm 32, Trung đoàn 245 thuộc Binh trạm 32 và đổi thành Tiểu đoàn 52. Từ đó, Đại đội 4 của Lê Hồng Huân được giao hoạt động trên đường 20 - Quyết Thắng. Đường 20 là trục ngang nối Đông sang Tây Trường Sơn, có tầm quan trọng đặc biệt đối với toàn tuyến chi viện chiến lược và cũng là trọng điểm đánh phá ác liệt nhất; trong đó có “tọa độ lửa” là Tập đoàn trọng điểm ATP (cua Chữ A, Ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích).

Một hôm, vào giữa chiến dịch vận chuyển, Đại đội 4 được lệnh chuyển một lô hàng qua ATP. Cung đường chưa đầy 10km và yêu cầu thực hiện 4 chuyến xe. Chỉ huy đại đội cho gọi Tiểu đội trưởng Lê Hồng Huân lên giao nhiệm vụ và bàn phương án vận chuyển. Không phải suy nghĩ lâu, Hồng Huân cho rằng nếu tổ chức 4 chiếc xe một lúc chạy qua trọng điểm, ánh đèn xe sẽ tạo thành một dải rộng, rất dễ cho máy bay địch phát hiện, hủy diệt... Từ đó, Hồng Huân nhận trách nhiệm chuyển lô hàng này trong đêm, mà không cần sử dụng 4 xe. Tin tưởng người Tiểu đội trưởng gan dạ, thông mính, Chỉ huy đại đội nhất trí giao nhiệm vụ cho anh. Và kết quả thành công ngoài sức tưởng tượng. Với 4 chuyến chuyển hàng, 8 lượt đi về vượt trọng điểm trong đêm, Hồng Huân đã chuyển toàn bộ lượng hàng tới đích trót lọt; người và xe an toàn.

Tám lượt đi về vượt tập đoàn trọng điểm ATP trong một đêm an toàn, Lê Hồng Huân đã nêu một kỷ lục vận chuyển và kỷ lục đó được tuyên truyền rộng rãi khắp tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Bằng chiến công thể hiện ý chí, trí tuệ của mình, Hồng Huân được tập thể vinh danh là “Dũng sĩ gang thép cua Chữ A”; được đồng đội đặt tên là “Con sóc Hà Nội - con sóc Trường Sơn”.

Thí điểm chạy cả ngày và đêm  

Vào một mùa khô, địch tập trung đánh phá tuyến chi viện chiến lược vô cùng ác liệt. Yêu cầu vận chuyển trên đường 20 hết sức nặng nề, bởi đây là tuyến vượt khẩu vô cùng quan trọng. Chỉ huy cấp trên hoạch định một chiến thuật vận tải mới. Thay vì trước đó chỉ tổ chức vận chuyển ban đêm, nay yêu cầu phải chạy cả ban ngày mới đảm bảo yêu cầu chi viện chiến trường.

Trước khi chiến thuật vận tải mới được triển khai rộng, cần có bước thí điểm, và Tiểu đội của Hồng Huân được giao nhiệm vụ quan trọng này. Thay mặt anh em trong tiểu đội, Hồng Huân hứa với cấp trên: “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất nước nhà. Anh em chúng tôi hứa quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...”.

Cung đường thử nghiệm kết hợp chạy đêm và chạy ngày được Tiểu đội Huân chọn vẫn là vượt tập đoàn trọng điểm ATP. Hàng vận chuyển đợt này là gạo. Ngoài lực lượng cao xạ, công binh yểm trợ, mỗi xe chuyển hàng đợt này, ngoài lái chính, lái phụ, trên thùng xe bố trí thêm 2 xạ thủ và 1 khẩu 14,5ly để đánh máy bay, bảo vệ xe. Kết quả là Tiểu đội của Huân hoàn thành nhiệm vụ chạy thí điểm. Lực lượng phòng không đi cùng xe phát huy hiệu lực; nổ súng kịp thời, quất thẳng máy bay địch khi chúng bám xe, oanh kích. Sau thành công thí điểm kết hợp chạy đêm và chạy ngày, Lê Hồng Huân và 3 đồng đội của anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và cả 4 đều được kết nạp vào Đảng. Chiến thuật kết hợp chạy đêm và chạy ngày; chạy lấn sáng, lấn chiều... tùy theo địa hình, thời tiết, được áp dụng trên toàn tuyến chi viện thật sự mang lại hiệu quả và đảm bảo an toàn.

Thí điểm sử dụng đèn gầm chạy đêm

Ở chiến trường Trường Sơn, xe chạy tối có nhược điểm là ánh sáng đèn rất dễ bị máy bay địch phát hiện. Để khắc phục hạn chế đó và giảm thương vong của ta, Bộ Quốc phòng đã có một công trình nghiên cứu, chế ra đèn gầm “Con Rùa” để phục vụ bộ đội vận tải ô tô. 15.000 chiếc đèn “Con Rùa” được chuyển vào Trường Sơn vào dịp Tết Đinh Mùi - 1967. Bộ Tư lệnh 559 tổ chức khảo sát và  trang bị đèn gầm cho Tiểu đoàn 52. Đích danh xe Gát-63 do Hạ sĩ Lê Hồng Huân lái được trang bị, chạy thí nghiệm loại đèn này.

Sau hai tuần chạy thí nghiệm thành công, đèn gầm “Con Rùa” được lắp cho hàng loạt xe hoạt động trên đường Trường Sơn và Lê Hồng Huân một lần nữa trở thành người lính tiên phong trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn anh hùng.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính Trường Sơn, trở về với cuộc sống đời thường, Lê Hồng Huân còn tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực đời sống, đặc biệt là người nhiệt huyết hết mình với lịch sử đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nhưng chiến tích - kỷ lục 8 lần vượt cua Chữ A trong một đêm là kỷ niệm sâu sắc không chỉ với anh mà với tất cả những ai đã một thời sống, chiến đấu trên tuyến đường mang tên Bác Hồ muôn vàn kính yêu!

Phạm Sinh (Nam Định)