PV: Ngân hàng CSXH đã và đang là người bạn đồng hành đáng tin cậy, là nguồn lực quan trọng để hội viên CCB giúp nhau làm kinh tế, nâng cao đời sống, tham gia phát triển KTXH… Bà có thể cho biết sự thành công của Ngân hàng CSXH TP Đà Nẵng trong những năm qua?

Bà Phương Lan: Ngân hàng CSXH là một tổ chức tín dụng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, cấp tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác với phương thức cho vay ủy thác bán phần qua các tổ chức đoàn thể, trong đó Hội CCB chiếm tỷ lệ lớn. Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Đà Nẵng được thành lập năm 2003. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, nhờ vậy hoạt động của chi nhánh phát triển cả quy mô và chiều sâu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tổng dư nợ nhận bàn giao năm 2003 là 117 tỷ đồng với 3 chương trình tín dụng, đến ngày 31-12-2011 tổng dư nợ đạt 801 tỷ đồng, tăng gần 7 lần, với 60.497 khách hàng vay vốn của 9 chương trình tín dụng, thông qua 1.760 tổ TKVV; trong đó, nguồn vốn ủy thác cho vay từ ngân sách địa phương đạt trên 31 tỷ đồng. Năm 2011, chi nhánh đã giải ngân cho 3.317 lượt hộ vay với số tiền trên 200 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động T.Ư cấp bù lãi suất đạt trên 63 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn huy động từ người nghèo thông qua tổ TKVV với hình thức gửi tiết kiệm hàng tháng trên 25 tỷ đồng thông qua 1.479 tổ TKVV với 19.092 hộ tham gia.

Ngân hàng CSXH cung cấp nguồn vốn với lãi suất thấp, tạo điều kiện cho người nghèo, các đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, tổ chức điểm giao dịch 56/56 xã, phường trong thành phố. Thông qua Ngân hàng CSXH thành phố, từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ đã thoát nghèo và từng bước vươn lên; con em các gia đình khó khăn có điều kiện học đại học, cao đẳng và học nghề, góp phần trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo - việc làm và an sinh xã hội của thành phố. Ngân hàng CSXH TP Đà Nẵng trở thành địa chỉ tin cậy, người bạn đồng hành của người nghèo là các đối tượng chính sách, trong đó có các cấp Hội và hội viên Hội CCB TP Đà Nẵng.

PV: Trong các chương trình mà CCB nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH, Hội CCB thành phố đã phối hợp hoạt động thời gian qua đạt kết quả như thế nào?

Bà Phương Lan: Đến nay, Hội CCB thành phố đã nhận ủy thác 8/9 chương trình tín dụng mà chi nhánh đang triển khai tại thành phố, với tổng dư nợ 127 tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ ủy thác của chi nhánh, thông qua 290 tổ TKVV với 9.432 hộ vay. Trong đó, các chương trình chiếm tỷ lệ dư nợ cao: dư nợ cho vay hộ nghèo trên 55 tỷ đồng/5.066 hộ vay, GQVL 13 tỷ đồng/641 hộ vay; dư nợ cho vay HSSV trên 52 tỷ đồng/3.056 hộ vay. Huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ TKVV đạt 4,5 tỷ đồng với 250 tổ TKVV của 3.066 hộ tham gia.

Thời gian qua, Hội CCB các cấp ở thành phố đã phối hợp chặt chẽ với ngân hàng trong việc tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi đến với người thụ hưởng; thực hiện tốt 6 công đoạn ủy thác, tích cực trong việc tham mưu UBND các xã, phường thành lập các tổ TKVV, công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ đúng quy định. Hội cấp thành phố, quận, huyện quan tâm đến công tác quản lý vốn vay của cấp Hội mình ở cơ sở, nhờ vậy chất lượng tín dụng do Hội CCB quản lý đạt kết quả khá tốt. Thông qua tổ TKVV, nhiều hội viên CCB đã thể hiện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu trong việc giúp đỡ người nghèo làm kinh tế, sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn với ngân hàng.

PV: Nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng CSXH được xem là nguồn động lực quan trọng để các cấp Hội CCB phối hợp, quản lý, hoạt động có hiệu quả đảm bảo thoát nghèo bền vững trong các hộ gia đình hội viên CCB, cần có giải pháp nào trong tương lai?

Bà Phương Lan: Nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đạt được hiệu quả và phát huy ý nghĩa của nó khi nguồn vốn này đến đúng với người thụ hưởng và đồng vốn vay sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, đảm bảo cho người vay thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn cho ngân hàng. Hội CCB các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, kết hợp nguồn vốn vay ưu đãi với công tác khuyến nông lâm ngư nghiệp, hướng nghiệp chuyển giao kỹ thuật… hướng dẫn cách làm kinh tế để phát huy hiệu quả sử dụng đồng vốn vay.

Hội CCB các cấp cần chú trọng việc củng cố kiện toàn Ban quản lý tổ TKVV chọn người có uy tín, có năng lực quản lý hoạt động trong tổ TKVV, xem đây là yếu tố quyết định đến chất lượng tín dụng nguồn vốn ủy thác. Hội cấp xã, phường tham gia trực và họp giao ban hàng tháng tại điểm giao dịch lưu động, cập nhật số liệu kiểm tra, hướng dẫn lưu trữ hồ sơ của tổ TKVV; thực hiện đầy đủ 6 công đoạn ủy thác, trong đó chú trọng việc kiểm tra giám sát hoạt động của tổ TKVV, xử lý những tồn tại vướng mắc tại cơ sở; đảm bảo nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích. Hội cấp thành phố, quận, huyện theo dõi kiểm tra, giám sát công tác quản lý vốn vay ủy thác của Hội, giao chỉ tiêu có liên quan đến chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ quá hạn; thu lãi tồn đọng; chất lượng hoạt động của tổ TKVV, tìm kiếm và bàn giao nợ đi khỏi địa bàn cư trú. Xét thi đua công tác Hội ở quận, huyện, xã, phường gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu tín dụng được giao.

PV: Xin cảm ơn bà giám đốc.

Nguyễn Tiến Dân thực hiện