Cuộc họp giao ban ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với 4 tổ chức chính trị - xã hội tại T.Ư.

Ngày 30-1-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (viết tắt là Nghị quyết số 11/NQ-CP).

Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025; tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP do Ngân hàng CSXH tổ chức ngày 16-2-2022, đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Đây là một chương trình rất khó. Ngày 11-1-2022, trong kỳ họp bất thường, Quốc hội đã thông qua chương trình này. Sau 19 ngày, đến ngày 30-11-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP nhằm triển khai sớm chương trình này, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ nhằm nhanh chóng triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người lao động, người nghèo,... vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch.

Với bề dày kinh nghiệm trong triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và với màng lưới hoạt động trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại 10.429 điểm giao dịch xã, trong triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng CSXH được giao 7 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng CSXH với hàng chục nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Ngân hàng CSXH triển khai cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; thực hiện cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập và trang trải chi phí học tập; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được Ngân hàng CSXH giải ngân trong giai đoạn 2022-2023.

Đánh giá cao vai trò phối hợp hoạt động nhận ủy thác cho vay của các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Hội CCB Việt Nam, tại cuộc họp giao ban ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với 4 tổ chức chính trị - xã hội tại T.Ư ngày 18-2-2022, đồng chí Dương Quyết Thắng - Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH nêu rõ: Năm qua, hoạt động ủy thác tiếp tục phát huy hiệu quả với dư nợ ủy thác tăng trưởng ổn định, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội; chất lượng hoạt động ủy thác tiếp tục được nâng cao. Tính đến 31-12-2021 tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt trên 244 nghìn tỷ đồng, chiếm 98,68% tổng dư nợ, tăng hơn 19,6 nghìn tỷ đồng so với năm 2020. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,23% tổng dư nợ uỷ thác, với gần 6,4 triệu hộ vay. Các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần quan trọng vào thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 được Ngân hàng CSXH và 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác thống nhất cao là tập trung triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch tín dụng năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao và các chính sách cho vay ưu đãi trong Chương trình phát triển và phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Ngân hàng CSXH đề nghị 4 tổ chức chính trị - xã hội tăng cường thực hiện công tác giám sát, phản biện chính sách; chủ động báo cáo với Đảng, Quốc hội, Chính phủ những đề xuất, kiến nghị của nhân dân về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội.

Hồ Thanh Hương

* Dư nợ ủy thác qua Hội CCB Việt Nam đạt 41.584 tỷ đồng, chiếm 16,99% tổng dư nợ ủy thác, tăng 3.616 tỷ đồng so với cuối năm 2020; nợ quá hạn chiếm 0,25%, nợ khoanh chiếm 0,56% tổng dư nợ nhận ủy thác; quản lý 29.982 Tổ Tiết kiệm và vay vay vốn với hơn 1 triệu khách hàng; 99,98% số Tổ Tiết kiệm và vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền với số dư 2.397 tỷ đồng (tăng 344 tỷ đồng so với năm 2020).
* Ngoài triển khai theo đường văn bản, kết hợp lồng ghép với các phong trào ở các cấp Hội, các cấp Hội CCB còn tích cực tuyên truyền các gương điển hình, các cách làm hay... trong thực hiện hoạt động ủy thác thông qua Báo CCB Việt Nam (báo viết và trang tin điện tử); tờ tin, trang thông tin nội bộ ở các tỉnh, thành Hội...