Được sự giúp đỡ tận tình của bộ đội và NHCSXH, gia đình hội viên CCB Hạng A Vàng và bà con dân tộc Mông ở bản Sín Chải, xã Đắc Ngo (huyện Tuy Đức, Đắc Nông) đã trồng được hàng chục ha cà phê, làm được nhà khang trang, mua sắm xe máy; xóa được đói nghèo
Tính đến hết năm 2016, NHCSXH quản lý 18 chương trình tín dụng chính sách và một số dự án, với tổng dư nợ đạt 157.300 tỷ đồng, trên 8,4 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, cụ thể: Trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang còn dư nợ, với tổng dư nợ là 37.136 tỷ đồng, dư nợ bình quân đạt hơn 25 triệu đồng/hộ; Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn tín dụng chính sách tại các vùng miền của toàn quốc:Vùng đồng bằng sông Hồng: chiếm tỷ lệ 1,6%/tổng số khách hàng, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: chiếm tỷ lệ 54%/tổng số khách hàng, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: chiếm 18%/số khách hàng, Vùng Tây Nguyên: chiếm tỷ lệ 14%/tổng số khách hàng, Vùng Đông Nam Bộ: chiếm tỷ lệ 1,8%/tổng số khách hàng, Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long: chiếm 11%/tổng số khách hàng. Điều đặc biệt, trong 18 chương trình tín dụng chính sách có 03 chương trình tín dụng dành riêng cho hộ dân tộc thiểu số là: Chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015 có tổng dư nợ là 924 tỷ đồng, với 127.539 khách hàng; Chương trình hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015 có tổng dư nợ là 432 tỷ đồng, với 42.483 khách hàng; Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn có tổng dư nợ là 820 tỷ đồng, với 55.474 khách hàng.
Có được kết quả như trên, trong những năm qua NHCSXH đã tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trong toàn hệ thống, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc và những nơi đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa; mặt khác, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp và 4 tổ chức CT-XH nhận ủy thác triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả và chất lượng của hoạt động tín dụng chính sách, đảm bảo phục vụ nhân dân tốt hơn. Cùng với các giải pháp của Chính phủ dành cho các huyện nghèo và nguồn lực đầu tư, trong đó phải kể đến nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH đã giúp bà con phát triển kinh tế trên vùng đất khó. Bằng cách thức, thủ tục vay vốn đơn giản và mạng lưới hoạt động của tín dụng chính sách được“phủ” đến từng thôn, bản thông qua gần 190.000 tổ tiết kiệm và vay vốn và 11.000 điểm giao dịch xã của NHCSXH kết hợp với hướng dẫn sử dụng vốn vay phù hợp với khả năng và điều kiện của hộ vay, tín dụng chính sách đã thay đổi cuộc sống của đa số đồng bào, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước giai đoạn 2011 - 2016 đã từ 11,76% xuống còn 8,38%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn trong quá trình triển khai, cụ thể: Việc bố trí nguồn vốn chưa kịp thời để đảm bảo chủ động thực hiện các chương trình tín dụng, do vậy, các địa phương không đủ thời gian để giải ngân cho vay. Thời hạn cho vay và mức cho vay, chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS chưa có chính sách đột phá về thời hạn cho vay, mức cho vay; bên cạnh đó, chưa có cơ chế cho kéo dài thời gian trả nợ đối với hộ vay vốn đã được gia hạn nợ hết thời gian tối đa theo quy định nhưng vẫn chưa thoát nghèo. Ngoài ra, còn một bộ phận đồng bào sử dụng vốn vay chưa hiệu quả. Một số hộ vay vốn đi XKLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu, bỏ về nước trước hạn hoặc một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn người lao động...Những khó khăn trên là do nhiều nguyên nhân trong đó có việc chưa có cơ chế gắn kết thống nhất để lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự án trên cùng địa bàn với vốn tín dụng của NHCSXH. Chính sách tín dụng dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới cần mang tính đột phá về tăng mức vay; tăng thời hạn cho vay; nguồn vốn tập trung vào một số ngành nghề trọng yếu để hộ dân có định hướng làm ăn, tạo sinh kế trong tương lai.
Với quyết tâm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao, Ngân hàng CSXH luôn đồng hành cùng đồng bào DTTS trên mọi miền đất nước thực hiện xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Bài và ảnh: Lương Xuân - Doãn Chiêu