Số vụ được phát hiện trong giai đoạn 2010-2015 tăng 11,6% so với giai đoạn trước; trong đó, 85% số vụ mang tính chất xuyên quốc gia hoặc có tính quốc tế. Số vụ mua bán người được phát hiện trong mấy năm gần đây tuy có ít hơn so với các năm trước, nhưng số nạn nhân lại nhiều hơn.
Tại Hội thảo khoa học về phòng, chống tội phạm mua bán người xuyên quốc gia vừa được tổ chức tại Hà Nội, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) nhận định, tội phạm mua bán người ở Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, xảy ra ở tất cả các tỉnh, thành phố và đang có xu hướng tăng. Nạn nhân chủ yếu là người dân ở vùng nông thôn, vùng núi, không có công ăn việc làm, thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138/CP, công an các địa phương trên cả nước đang quyết liệt chống lại các hoạt động mua bán người. Mới đây, Công an tỉnh Lào Cai đã hoàn tất kết luận điều tra vụ việc một nhóm tổ chức đường dây mua bán người.
Theo tài liệu điều tra, Lò Láo Lở (30 tuổi) cùng với Lý Văn Minh (35 tuổi) và Bàn Văn Quyền (23 tuổi), đều trú tại tỉnh Lào Cai, hình thành đường dây mua bán người qua biên giới. Nạn nhân là những cô gái trẻ mà các đối tượng quen qua mạng xã hội.
Cuối tháng 8-2016, qua mạng xã hội, Minh quen nạn nhân Ð. (trú tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Khi nạn nhân đã “cắn câu”, Minh hẹn Ð. tới T.P Lào Cai chơi và cùng đồng bọn bán Ð. cho một đối tượng người Trung Quốc, lấy 6.500 nhân dân tệ mang về đổi sang tiền Việt Nam để tiêu xài.
Thấy việc kiếm tiền dễ dàng, ba đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Ngày 17-9-2016, nạn nhân V. (trú tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) đến khám và điều trị tại một phòng khám đa khoa ở T.P Lào Cai. Trong thời gian này, V. quen Minh qua mạng xã hội. Ngày 18-10-2016, Minh đến phòng khám gặp và nhờ V. đưa sang Trung Quốc, hứa trả tiền công 500 nghìn đồng. Không nghi ngờ dã tâm của người bạn mới quen, V. đồng ý và đã sập bẫy.
Tiếp đó, cuối tháng 10-2016, Quyền làm quen với S. (trú tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), cũng qua mạng xã hội. S. tiếp tục trở thành nạn nhân của nhóm tội phạm nêu trên.
Ngay khi tiếp nhận tin báo từ người thân và gia đình, Công an tỉnh Lào Cai vào cuộc và truy bắt các đối tượng Lở, Minh và Quyền; đồng thời, thực hiện công tác truy tìm, giải cứu các cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc.
Cơ quan công an đánh giá, tình trạng tội phạm mua bán người gia tăng còn do tình trạng sơ hở, thiếu sót trong quản lý xã hội; ý thức, trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống mua bán người của một số cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể ở một số địa phương chưa đầy đủ...
Thượng tướng Lê Quý Vương yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tích cực chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống tội phạm buôn bán người. Phối hợp các ngành, đoàn thể xã hội giáo dục nâng cao hiểu biết của các tầng lớp nhân dân về pháp luật, nêu cao tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm mua bán người tập trung vào những người có nguy cơ cao ở vùng nông thôn, vùng núi, biên giới. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa và nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ; đẩy mạnh các đợt tấn công, trấn áp, điều tra, xử lý tội phạm mua bán người; trong đó, tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực của cảnh sát hình sự và các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống tội phạm ở cơ sở.
Trần Thịnh