Trong một chương trình “Vua tiếng Việt” trên VTV3 gần đây (tiếc là tôi quên ghi ngày giờ phát sóng) có câu hỏi dành cho người chơi: Yêu cầu giải thích câu thành ngữ “mồm chó vó ngựa” - và đáp án của chương trình, do M.C Xuân Bắc nói: “Chỉ những người bạ đâu nói đó, không biết giữ miệng”.

Tôi thấy đáp án trên, khác hoàn toàn với ý hiểu lâu nay trong dân gian. Nhưng để “nói có sách, mách có chứng”, tôi phải tra cứu tài liệu. Sách “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của GS. Nguyễn Lân, NXB Văn học, tại trang 254 giải thích: Hàm chó. Vó ngựa: Lời khuyên không nên trêu chọc những con chó, con ngựa lạ.

Còn trên Google, xung quanh câu thành ngữ trên, tôi đã tra cứu ba tiêu đề:

1. Mồm chó vó ngựa: Có ý nói về những người bạ đâu nói đó, không biết giữ miệng.

2. Người xưa có câu “Mồm chó, vó ngựa” để ám chỉ những điều nguy hiểm, chó thì dùng mồm để cắn người. Còn ngựa thì tung vó đá người.

3. Mồm chó. Vó ngựa:

- Bộ phận, là thứ vũ khí tấn công, tự vệ quan trọng, duy nhất.

- Những cái có thể gây tai họa, nên tránh.

- Được ví với hạng người ngỗ ngược, hay gây gổ, bịa đặt và ăn nói độc địa.

Căn cứ vào những tài liệu tra cứu trên đây, ta có thể tổng hợp, phân loại thành hai cách giải thích:

Thứ nhất, “Mồm chó, vó ngựa”: chỉ những chỗ nguy hiểm khôn lường, tiềm ẩn rủi ro, bất trắc, không thể không đề phòng.

Thứ hai: “Mồm chó. Vó ngựa” được ví với hạng người nói năng bừa bãi, độc địa.

Vậy, cách giải thích nào phù hợp với ý của người xưa đã đúc kết nên câu thành ngữ. Nói cách khác là giải thích đúng và trúng với ý hiểu của dân gian hiện nay.

Muốn phân biệt được chính xác, trước tiên ta phải hiểu thế nào là thành ngữ, tục ngữ.

Theo sách “Từ điển Tiếng Việt thông dụng” của Nguyễn Như Ý (chủ biên) Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành biên soạn, NXB Giáo dục - 1996, thì:

Thành ngữ là cụm từ cố định, thường có vần điệu, được dùng rộng rãi trong đời sống hằng ngày. Trong đó nghĩa không giải thích đơn giản bằng ý nghĩa của từ tạo nên nó - thành ngữ tiếng Việt (Được voi đòi tiên) tr. 1016.

Tục ngữ là câu nói ngắn gọn, thường có vần điệu, mang ý nghĩa khuyên răn (Đói cho sạch, rách cho thơm) tr. 1204.

Đối chiếu với định nghĩa nói trên, thì câu “Mồm chó, vó ngựa” là thành ngữ. Mà đã là thành ngữ hay tục ngữ thì đều là lời hay, ý đẹp, giàu tính nhân văn, được chắt lọc, đúc kết từ cuộc sống, của ông cha ta truyền lại từ đời này qua đời khác. Hiếm thấy có trường hợp nào lại được dùng để so sánh, ví von giữa con người với con vật. Dù người đó có ăn nói vô lối đến mấy thì thành ngữ, tục ngữ cũng không thể ví mồm người với mồm chó, vó ngựa. Vì vậy, cách giải thích của đáp án chương trình “Vua tiếng Việt” không đúng với bản chất của thành ngữ, tục ngữ, thiếu sức thuyết phục.

Qua tham khảo ý kiến của những người ít nhiều có mối quan tâm đến lĩnh vực này, tôi thấy họ đều hiểu ý nghĩa của câu thành ngữ “Mồm chó, vó ngựa”: Khuyên người ta phải cẩn thận đề phòng những mối nguy hiểm khó lường (tương tự như câu cửa miệng (sỗ sàng) trong dân gian: “Chớ có sờ vào dái ngựa”).

Thiết nghĩ: Việc sưu tầm giới thiệu những câu thành ngữ, tục ngữ hay đã khó. Việc giải thích nó sao cho trọn ý, vẹn nghĩa, giàu tính thuyết phục, được mọi người thừa nhận còn khó hơn. Càng khó hơn nữa, khi lời giải thích đó lại được xem như “Lời vàng, ý ngọc” của “Vua”. Bởi lẽ, với chương trình được gọi là “Vua tiếng Việt” đòi hỏi người “cầm cái” - người dẫn tối thiểu phải hiểu và sử dụng chuẩn xác tiếng Việt.  Mong “Vua tiếng Việt” (VTV3 - ĐTH Việt Nam) xem xét lại cách giải thích của mình.

Nguyễn Văn Cự