Theo báo cáo của các địa phương, hiện cả nước tồn đọng khá lớn hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng. Mục tiêu của Bộ LĐTBXH trong năm 2017 căn bản giải quyết 3.000 hồ sơ người có công còn tồn đọng, cụ thể giải quyết ít nhất 60% hồ sơ liệt sĩ, thương binh còn tồn đọng sau chiến tranh.
Để tiến tới việc giải quyết dứt điểm những hồ sơ còn tồn đọng, năm qua, Bộ LĐTBXH chủ trương thí điểm triển khai xem xét, xác nhận người có công với cách mạng theo quy trình chặt chẽ, công khai, dân chủ, phát huy đúng mức trách nhiệm của các cấp, các ngành. 9 tỉnh, thành phố được chọn làm điểm và mở rộng là: Lai Châu, Bắc Cạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An, Tiền Giang, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Qua đó, Ban chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ công tác T.Ư giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng đã thống nhất đề nghị xác nhận 86 trường hợp người có công với cách mạng, gồm: 75 liệt sĩ (trong đó có 57 liệt sĩ thời kỳ chống Pháp, 18 liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thời kỳ chống Mỹ.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017) và giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng do Bộ LĐTBXH tổ chức vừa qua, từ kinh nghiệm những tỉnh thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng cho thấy, hồ sơ tồn đọng chủ yếu là những hồ sơ phức tạp, được mở ra, đóng lại rồi giờ lại được mở ra để xem xét giải quyết dứt điểm. Việc triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với liệt sĩ, và thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, tuy diễn ra trong một thời gian ngắn; song, nhìn chung các tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai khá cụ thể, xác định rõ các bước, các công việc phải làm và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Nhiều hồ sơ tồn đọng khá lâu, tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn nên các địa phương phải tích cực khai thác tối đa thông tin từ các nguồn khác nhau; có nơi như Long An phải thu thập thêm thông tin từ Ban Liên lạc tù Phú Quốc hoặc mời tất cả các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ các thời kỳ cùng với các đồng chí lão thành cách mạng để lắng nghe ý kiến trước khi Ban chỉ đạo cấp tỉnh họp xét, đề nghị. Những trường hợp hồ sơ còn có những điểm mâu thuẫn hoặc chưa rõ, hoặc thiếu cơ sở vững chắc… đều được các địa phương tổ chức xác minh làm rõ và có kết luận cụ thể.
Hội nghị thống nhất 3 nguyên tắc và 7 qui trình trong xử lý hồ sơ người có công tồn đọng, trong đó có 8 bước cụ thể là: Tiến hành xác minh, bổ sung nội dung hồ sơ; triển khai các bước xét duyệt thuộc trách nhiệm cấp xã; triển khai các bước xét duyệt thuộc trách nhiệm cấp huyện; Họp Ban chỉ đạo lần 2; công khai và thu thập thông tin; Tổ công tác Trung ương trực tiếp nghiên cứu từng hồ sơ đã hoàn thiện và chuẩn bị ý kiến; Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố họp lần 3; đề nghị xác nhận chính thức. Hiện, Bộ LĐTBXH tạm chốt danh sách những hồ sơ người có công còn tồn đọng để tập trung giải quyết. Những địa phương có dưới 50 hồ sơ thì giải quyết dứt điểm trong năm 2017, những địa phương có trên 50 hồ sơ thì giải quyết về căn bản.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu, các địa phương khẩn trương tập trung xử lý các hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, thương binh; trước mắt khoanh vùng vào các hồ sơ thuộc Bộ LĐTBXH và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang quản lý. Trong quá trình thực hiện, phải đặc biệt coi trọng các bước xác minh ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn - đây là khâu hết sức quan trọng; phải thực hiện tốt khâu công khai, dân chủ, tạo được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là các đồng chí lão thành cách mạng, những người đã từng tham gia kháng chiến... Đồng thời, phải kiên quyết và xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp lợi dụng chính sách để làm giả hồ sơ nhằm trục lợi, nếu phát hiện đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra, khởi tố để đảm bảo công bằng cho những người đã hy sinh xương máu vì đất nước.
Dương Sơn