Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên tại Trường PTDT nội trú THCS Định Hóa.

Ngày 3-9, hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đi thăm, kiểm tra tỉnh Thái Nguyên được dư luận đặc biệt chú ý. Chú ý vì hình ảnh Thủ tướng ngồi trong một phòng học bình dị, trên bảng chỉ đề “Trường PTDT nội trú THCS Định Hóa”, không cờ hoa, khẩu hiệu. Đặc biệt hơn, từ căn phòng nhỏ đơn sơ đó lại kết nối đến các điểm cầu cấp xã, cấp huyện trong toàn tỉnh để Thủ tướng kiểm tra và chỉ đạo công tác chống dịch.

Bệnh hình thức ở nước ta vốn là căn bệnh kinh niên, chống nó không hề dễ. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước thì căn bệnh này cũng đã thuyên giảm trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, thuyên giảm chứ chưa chấm dứt. Nhiều địa phương, khi đón lãnh đạo T.Ư về thăm, kiểm tra đã bớt các thủ tục chào mừng rườm rà, nhưng vẫn còn không ít “hủ tục” như đón “quan phụ mẫu” thời xưa. Cá biệt có địa phương “gọn nhẹ” cấp tỉnh nhưng lại chỉ đạo cấp huyện, cấp xã đón tiếp rất hoành tráng; để nếu có bị cấp trên phê bình thì viện lý do “đó là tấm lòng của nhân dân ở cơ sở” để mong được cho qua.

Vì vậy, lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính ngồi làm việc trực tuyến với cả tỉnh Thái Nguyên trong một phòng học được trang trí tối giản, đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm chống bệnh hình thức. Hy vọng rằng, hình ảnh này sẽ truyền cảm hứng đến toàn dân cùng chung tay “thanh toán” căn bệnh “kinh niên” này.

Nhưng ấn tượng hơn là chuyện Thủ tướng “tuyên chiến” với bệnh quan liêu. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính lập tức đi kiểm tra các tỉnh phía Nam, nơi đại dịch đang hoành hành. Hành trình “ra Bắc, vào Nam” của Thủ tướng, qua T.P Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên... Ở đâu, Thủ tướng cũng về đến cơ sở, những vùng trọng điểm của tâm dịch mà không báo trước. Thủ tướng bất ngờ đề nghị người dân gọi điện vào “đường dây nóng” xin hỗ trợ; trực tiếp trò chuyện với người làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm dịch; trò chuyện với cả người dân chấp hành chưa nghiêm quy định phòng dịch... rồi phát hiện cả việc một phường đang “nóng” về dịch bệnh như phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) thiếu Bí thư Đảng ủy, thiếu quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch... Thậm chí, ngồi ngay trong Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng còn gọi thử đến “đường dây nóng” cấp phường xem có hoạt động hay không. Tất cả những việc làm của Thủ tướng là sự “tuyên chiến” không lời với bệnh quan liêu.

Khỏi phải nói, bệnh quan liêu là căn bệnh nguy hiểm thế nào đối với sự phát triển của đất nước, sự bền vững của chế độ. Trong công cuộc chống dịch, bệnh quan liêu thể hiện ở rất nhiều cấp độ. Có những điều, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là đúng đắn, nhưng vì bệnh quan liêu của đội ngũ cán bộ khiến cho việc thực thi chủ trương, chính sách bị sai lệch, méo mó. Ngay giữa những ngày cả nước căng mình chống đại dịch Covid-19, mà lại có những cán bộ đầu ngành cấp sở của địa phương đi chơi golf. Cũng vì quan liêu mà gây ra những chuyện làm bức xúc xã hội, như chuyện cán bộ phường xem “bánh mỳ không phải hàng thiết yếu”.

Lần này, với quan điểm chỉ đạo “lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài; người dân là chiến sĩ; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”; Thủ tướng Phạm Minh Chính hiểu rằng, nếu để bệnh quan liêu “tác oai, tác quái” thì xã, phường sẽ không trở thành pháo đài chống dịch mà còn có thể trở thành “lô cốt trì trệ’. Vì vậy, tác phong nói ít, làm nhiều, đi thẳng xuống cơ sở, nói thẳng, nói thật, làm thật, ông đã không ngần ngại chỉ thẳng những khuyết điểm, hạn chế, những “bệnh tật” của những người mắc bệnh lừng chừng, quan liêu.

Chiến lược 5K + vắc-xin của Chính phủ khởi xướng đang từng bước phát huy được tác dụng. Mặc dù dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp nhưng đã bắt đầu có những tín hiệu khả quan. Như ở Long An, một vùng tâm dịch phía Nam, dịch bệnh đang đi ngang và đi xuống, nhiều tín hiệu cho thấy địa phương này đã kiểm soát được dịch bệnh. Hay như ở T.P Hồ Chí Minh, trải qua những lúng túng ban đầu, đã có những phường, những quận tuyên bố đã kiểm soát được tình hình. Những tín hiệu đó cho phép chúng ta tin tưởng vào thắng lợi của công cuộc chống đại dịch Covid-19.

Và đáng mừng hơn, bằng hành động của mình, người đứng đầu Chính phủ đã phát đi thông điệp, cho chúng ta tin tưởng vào “mục tiêu kép”: Vượt qua đại dịch, chúng ta còn có cơ hội khắc phục được bệnh quan liêu, hình thức vốn đã tồn tại quá lâu trong hệ thống chính quyền của chúng ta!

Hà Thanh