Ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung đang rất phức tạp với hàng trăm ca nhiễm.

Dù đã trải qua 3 lần giãn cách xã hội, nhưng số ca mắc Covid-19 tại T.P Hà Nội luôn ở mức cao và liên tục xuất hiện những ổ dịch mới. Trước thực trạng này, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Đinh Tiến Dũng cho rằng, còn không ít sơ hở trong tổ chức thực hiện giãn cách xã hội, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn rất lớn, phải triệt để khắc phục sơ hở, tập trung chặn dịch từ “gốc” mới có thể đưa Thủ đô về trạng thái an toàn.

“Trong lỏng, ngoài chặt”

Hơn 1 tháng qua, Thủ đô Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Với tinh thần vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô phần nào được kiểm soát. Tuy vậy, trong những ngày gần đây thành phố lại xuất hiện một số ổ dịch phức tạp, đáng chú ý là ổ dịch Thanh Xuân Trung khi đã có trên ba trăm trường hợp dương tính với nCoV. Một số ổ dịch lớn khác được Sở Y tế Hà Nội thống kê là Văn Miếu với 103 ca nhiễm, Văn Chương có 88 trường hợp, chung cư HH4C Linh Đàm ghi nhận 48 người…

Liên tục xuất hiện các ổ dịch mới cho thấy tình hình dịch bệnh vẫn còn rất nóng, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, cần tăng cường nâng cao giám sát của chính quyền cơ sở, nhất là ở tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng... để từng việc khi triển khai tại khu dân cư, tổ dân phố mang lại kết quả thực chất trong phòng, chống dịch chứ không phải làm theo phong trào. Chỉ một hành động chủ quan, mất cảnh giác sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Bởi thực tế, ở một số nơi đã xuất hiện tình trạng người dân chủ quan, thiếu ý thức, bất chấp quy định phòng dịch trong thời gian giãn cách.

Ghi nhận của PV, từ cuối tháng 9 trên nhiều con phố tấp nập người qua lại. Tại ngã tư Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám, Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến hay một số tuyến đường như đường Láng, Nguyễn Trãi, Tây Sơn… mật độ phương tiện tham gia giao thông khá đông. Đại úy Từ Quang Bách - Đội Cảnh sát giao thông số 6, Công an T.P Hà Nội cho biết: Nhiều người tham gia giao thông có giấy đi đường do công ty, doanh nghiệp cấp. Việc không xác định được đơn vị nào sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp nào không là kẽ hở dẫn tới đường phố luôn đông. Ngoài ra, có trường hợp mua bán, làm giả giấy đi đường. Theo thống kê trong những ngày đầu của đợt giãn cách thứ tư, Công an thành phố xử phạt hơn 700 trường hợp vi phạm phòng, chống dịch gần 1,1 tỷ đồng.

Ý thức của một bộ phận người dân cũng là điều đáng lo ngại. Rạng sáng 25-8, tại đường Trường Chinh, ngã ba đường Láng - Yên Lãng… nhiều người ra ngoài đi tập thể dục. Tình trạng họp chợ cóc và tụ tập đông người trên đường Trường Chinh, đoạn gần Ngã Tư Sở, quận Đống Đa vô tư diễn ra. Ngày 27-8, tại tổ dân phố số 26, phường Định Công, quận Hoàng Mai, một nhóm gồm cả người lớn và trẻ em không đeo khẩu trang, vô tư tập thể dục trong nghĩa trang. Vụ việc đã được công an phường Định Công phát hiện, xử lý.

CCB Nguyễn Tiến Thượng, trú tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, đánh giá: Ngoài những gì đã làm được thì nhiều nơi vẫn còn để xảy ra “trong lỏng, ngoài chặt” của các lực lượng chức năng cơ sở. Tại một số “vùng đỏ”, mặc dù chốt chặn tại đầu các con ngõ đều được kiểm soát tương đối tốt, nhưng bên trong lại không giám sát thường xuyên việc đi lại, giao lưu của người dân. Tại một số nơi dù dựng thanh chắn và treo biển “vùng xanh” an toàn, nhưng lại không kiểm soát chặt người ra vào. Đặc biệt, tại các chợ dân sinh không kiểm soát tốt việc đảm bảo giãn cách, vẫn còn để nhiều người dân và tiểu thương mua bán qua rào chắn của chợ. Thậm chí là thực hiện lén lút các dịch vụ không cho phép trong thời gian giãn cách.

Cần làm gì để sớm kiểm soát dịch?

Đồng chí Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đánh giá: Nguyên nhân lây nhiễm nhanh như ở Thanh Xuân Trung một phần là người dân không tuân thủ tốt quy định giãn cách ngay tại khu dân cư. Ngoài ra, lực lượng chức năng không kiểm soát chặt mọi đối tượng ra vào ở các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao. Mỗi người dân, mỗi gia đình cần thực hiện nghiêm quy định, hạn chế tập trung đông người. Đặc biệt, phải phong tỏa chặt, xét nghiệm toàn bộ cho người dân trong khu vực phong tỏa 3 ngày 1 lần với mục tiêu bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Thiết lập trung tâm điều phối các hoạt động cứu trợ y tế cấp cứu, chuyển viện, chuyển ô-xy và thuốc, chữa trị tại nhà, vận chuyển hàng hóa trong đại dịch. Nhanh chóng chuyển đổi mô hình chăm sóc, điều trị để bảo vệ hệ thống y tế khỏi bị sụp đổ, để lên kế hoạch cho các kịch bản xấu. Xây dựng các bể ô-xy lỏng tại bệnh viện tuyến quận, huyện; trạm ô-xy nhỏ tại cộng đồng. Chuẩn bị cơ số thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ, vật tư y tế cho kịch bản nhiều ca nhiễm. Tăng nhanh năng lực xét nghiệm PCR, sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho đúng nhóm đối tượng, nhanh chóng tiêm chủng, miễn dịch cộng đồng cho người dân.

Để xảy ra tình trạng dịch bện diễn biến phức tạp - thậm chí F0 tăng ở một số địa bàn có một nguyên nhân quan trọng không thể phủ nhận là cấp ủy, chính quyền cơ sở không làm tròn trách nhiệm. Ví như, ngày 31-8-2021, khi Thủ tướng Chính phủ trực tiếp kiểm tra phường Thanh Xuân Trung, thì Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của phường không có người trực.. PHải 20 phút sau, cán bộ phường mới tìm được Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, nhưng không có quy chế hoạt động… Thủ tướng đã phê bình gay gắt sự yếu kém này và chỉ đạo khắc phục ngay.

Bí thư Thành ủy Hà Nội - Đinh Tiến Dũng đánh giá: Thời gian qua, người dân Thủ đô tích cực tham gia chống dịch. Tuy nhiên, đợt bùng phát lần này phức tạp hơn rất nhiều trước đây, các ca bệnh, chùm ca bệnh mới phát sinh cho thấy còn không ít sơ hở trong thực hiện giãn cách xã hội. Bí thư Thành ủy yêu cầu các quận, huyện... chủ động lên kế hoạch đánh giá các khu đông dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh... để có kịch bản chống dịch. Cần làm chặt chẽ hơn việc giám sát từ các ngõ, phố; tuần tra lưu động trên đường gắn với kiểm tra cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.

Võ Hóa