Hoạt động ngoài trời giúp trẻ nhỏ hiểu hơn về thiên nhiên.

Việc tìm sân chơi cho trẻ em trong dịp hè là “bài toán” đau đầu với mỗi bậc phụ huynh mỗi khi hè đến. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, “bài toán” này càng trở nên khó khăn hơn do mọi hoạt động của trẻ chỉ có thể diễn ra trong nhà để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Ông bà thành bảo mẫu

Dù là lần thứ 4 con được nghỉ học do dịch Covid-19, nhưng chị Lê Thanh Thủy, trú tại quận Thanh Xuân, T.P Hà Nội vẫn luôn trong tình trạng căng thẳng khi ở nhà. Chị Thủy cho biết: Những năm trước, gia đình thường có kế hoạch nghỉ hè của con theo từng giai đoạn như đưa con đi du lịch, về quê thăm ông bà, tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa như tiếng Anh, bơi lội…, ôn luyện kiến thức để chuẩn bị bước vào năm học mới. Năm nay, dịch diễn biến phức tạp, nên hằng ngày các con chỉ xem tivi, máy tính bảng để giải trí và ôn luyện bài cũ. Nếu dịch bệnh cứ tiếp tục diễn biến phức tạp, tôi lo các con ở nhà cả ngày sẽ rất dễ lạm dụng các thiết bị điện tử, dễ bị tiếp xúc với những nội dung giải trí không lành mạnh. Thời gian tới, tôi tính cho con về quê với ông bà để rời xa màn hình tivi, máy tính bảng.

Tại T.P Hồ Chí Minh, do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên sau khi con được nghỉ học, vợ chồng CCB Nguyễn Tiến Thắng, trú tại huyện Bình Chánh đã đón các cháu về ở cùng ông bà. Ông Thắng cho biết: Hằng ngày các cháu dậy sớm, theo bà đi chợ, rồi về cùng bà chuẩn bị bếp núc. Vùng ngoại thành rộng rãi nên các cháu được vui chơi thỏa thích, không phải sinh hoạt theo khung giờ cứng nhắc, bố mẹ cũng không còn phải quá dè chừng vì cảnh con cái mình dán mắt vào ti vi, điện thoại, hay lo lắng khi con ra khỏi nhà là xe cộ đông đúc.

Các cháu về quê sẽ được tận mắt chứng kiến những công việc nhà nông, biết tên các nông cụ sản xuất, biết về nhiều loài cây, con vật mà trước đây con chỉ mới đọc qua sách vở. Được tham gia giúp đỡ ông bà những công việc đơn giản, như hái nắm rau, quét nhà, quét sân... cũng là niềm khích lệ vì con thấy mình có ích và “người lớn” hơn nhiều. Sau dịp hè các con có thêm vốn sống, được chơi, được sống đúng với lứa tuổi trẻ thơ, mà còn là cơ hội để con có những trải nghiệm để trưởng thành; được gắn bó hơn với quê hương, họ hàng, từ đó xây đắp nên những tình cảm gia đình bền chặt.

Hệ quả khôn lường tới tâm lý trẻ

Bác sĩ Nguyễn Quang Vinh - Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội cảnh báo: Do đang trong độ tuổi phát triển nên mắt trẻ rất yếu, việc nhìn vào màn hình điện thoại thường xuyên với cường độ ánh sáng mạnh sẽ tác động trực tiếp đến thị giác của trẻ. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ suy giảm thị lực và mắc các tật về khúc xạ như cận thị, loạn thị...

Đối với lứa tuổi lớn hơn, nếu các bậc cha mẹ không quản lý sát con, các em có thể xem những video bạo lực học đường, tiếp xúc với những văn hoá phẩm đồi trụy… Từ đó, các em có nguy cơ trở thành nạn nhân, sau đó dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Việc điều trị trẻ bị nghiện điện thoại di động là rất khó, mất nhiều thời gian, công sức. Bởi, ngoài rối loạn hành vi còn do thói quen của trẻ. Trường hợp trẻ bị nghiện điện thoại nặng thì phải kết hợp sử dụng cả thuốc.

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng: Để kỳ nghỉ hè ý nghĩa đối với trẻ em, bố mẹ, ông bà cũng phải trang bị một số kỹ năng sống để hướng dẫn, chỉ bảo cho các con. Bố mẹ không nên cấm con vào mạng internet, thay vào đó hãy giúp con có nhiều hoạt động trải nghiệm từ cuộc sống. Không cần quá gò bó, thực hiện dựa trên nguyên tắc quyền đi đôi với nghĩa vụ và các phương pháp phải tạo ra được sự khích lệ cho các con.

Thời điểm này, dù các hoạt động ở ngoài trời bị dừng lại, nhưng ở trong nhà, các em vẫn có thể tập thể dục thông qua những chương trình trên internet, đọc cuốn sách hay, nói chuyện với bạn qua mạng. Với những gia đình có sân rộng, cha mẹ mua cho con cây vợt để chơi cầu lông, lắp sân bóng rổ... để trẻ được tương tác. Người lớn có thể trò chuyện, chia sẻ với các con về những cảm xúc của mình một cách khéo léo, phù hợp với khả năng hiểu của trẻ, để trẻ học cách quan tâm, chăm sóc bố mẹ, gia đình. Phụ huynh cần tìm hiểu tâm lý của trẻ để góp ý, định hướng cho trẻ, chịu khó lắng nghe, chia sẻ với những mong muốn của trẻ; dành thời gian để gắn kết các thành viên trong gia đình; sử dụng thêm công cụ giám sát để đưa ra các biện pháp hợp lý với trẻ.

Là đơn vị có chức năng thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH -  Đặng Hoa Nam cho biết: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Trẻ em có văn bản chỉ đạo Sở LĐTBXH 63 tỉnh, thành phố đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, mạng viễn thông các kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, phòng, chống tai nạn, thương tích, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tuyên truyền về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em tới gia đình, cộng đồng xã hội và trẻ em. Cục Trẻ em cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch.

Võ Hóa