
Mới 17 tuổi, ông đã trở thành chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng vinh dự lớn nhất của cuộc đời ông là có 10 năm được làm nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ và T.Ư Đảng.
Làm tốt lời Bác dạy
Vào những ngày giữa tháng 12-1954, mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng trước khi chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ cho tâp hợp cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn cảnh vệ 600 để nói chuyện. Bác căn dặn: Bác cháu ta từng gian khổ trong kháng chiến đã quen, nay về Hà Nội địch chiếm đóng lâu năm, đầy rẫy cảnh sống xa hoa, trụy lạc nên dễ nảy sinh tư tưởng thèm muốn hưởng thụ. Vì vậy, Bác dặn các chú phải vững vàng, đừng sa ngã trước viên đạn “bọc đường”. Chúng tôi ai cũng ghi nhớ lời Bác và đã làm tốt nhiệm vụ trong những ngày đầu về tiếp quản Thủ đô.
“Tiên học lễ, hậu học văn”
Những ngày đầu về Thủ đô, tôi quan sát thấy Bác Hồ thường xuyên dậy sớm tập thể dục. Bất kể là trời mưa gió, sáng nào Bác cũng dậy vào lúc 5 giờ 30 phút. Một buổi sáng, tôi và đồng chí Minh (quê ở Yên Thành) ra tưới rau, bỗng phát hiện có tiếng động ở bờ ao gần đó. Tôi và đồng chí Minh tiến gần lại quan sát. Chúng tôi thật ngạc nhiên khi thấy Bác Hồ đang bơi thuyền. Hai chúng tôi đứng lặng yên ngắm Bác thì bất ngờ khi bơi thuyền qua, Bác dừng lại và hỏi: Tại sao hai chú thấy Bác mà không chào? Hai chúng tôi trống ngực đập thình thình, biết mình có lỗi nhưng trả lời Bác thế nào đây. Khi đã trấn tĩnh, tôi liền đứng nghiêm, giơ tay chào và thưa với Bác: Chúng cháu thật có lỗi mải xem Bác bơi thuyền mà quên mất, mong Bác tha thứ. Bác nói: Hai chú về cơ quan làm việc phải có lễ phép, “Tiên học lễ, hậu học văn”. Từ đó trở đi, tôi chẳng bao giờ quên lời chào khi tiếp xúc với mọi người.
Nhất bên trọng…
Một buổi tối, anh em cơ quan trong Phủ Chủ tịch được nghỉ xem phim. Chúng tôi tập trung ngồi thẳng hàng, thẳng lối. Khi thấy Bác cùng ra bãi xem phim, tất cả mọi người đứng dậy và vỗ tay chào đón Bác. Bác ra ký hiệu cho tất cả ngồi xuống. Sau đó đến lượt Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng ra xem phim với Bác và mọi người. Khi chương trình phim chuẩn bị bắt đầu, đột nhiên Bác đứng dậy và nói: “Bác muốn hỏi các cô, các chú tại sao khi Bác ra thì các cô, các chú đứng dậy chào, mà khi chú Đồng là Thủ tướng Chính phủ có mặt thì các cô các chú không đứng lên chào. Vậy là “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Nhờ một đêm được xem phim cùng Bác, cán bộ chiến sĩ chúng tôi có được một bài học quý giá mà Bác đã chỉ ra.
Từ chiếc cúc áo
Một lần tôi đang đứng gác thì thấy Bác Hồ đang đi lên nhà sàn. Đến chỗ tôi, bất ngờ Bác dừng lại. Tôi đứng nghiêm chào Bác nhưng lúc đó chân tay run cầm cập. Bác tiến thẳng lại rồi đột nhiên Bác nói: “Ở đây không chỉ có Bác và các đồng chí T.Ư mà còn có khách quốc tế ra vào, người cảnh vệ phải có tác phong nghiêm túc, chững chạc”. Nói rồi Bác đưa tay lên đóng chiếc cúc áo mà tôi đã quên cài. Tôi đứng như trời trồng, nhìn Bác đi lên nhà sàn mà không biết nói gì cả. Từ đó về sau tôi luôn kiểm tra cẩn thận tác phong của mình trước khi đi làm nhiệm vụ.
Cháu cẩn thận kẻo đổ bia
Vinh dự lớn nhất của cuộc đời tôi trong 10 năm làm nhiệm vụ bảo vệ Bác là được một lần đón tết cùng Bác. Đó là vào ngày 1-1-1958, tôi được anh em trong đại đội tín nhiệm thay mặt viết thư chúc tết Bác Hồ. Sau khi hoàn thành, được cả đại đôi tập trung để góp ý và thông qua. Sau đó cả đại đội nhất trí cử tôi đi đón tết cùng Bác. Thấy tôi còn trẻ (lúc đó mới 22 tuổi), mọi người ưu tiên ngồi lên phía đầu, gần đối diện với Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bắt đầu buổi lễ, Bác đứng dậy nói: “Năm qua, Bác cháu ta ở chiến khu về Hà Nội tiếp quản, các cô, các chú đã làm được nhiều việc tốt. Hôm nay đầu xuân năm mới, Bác tổ chức đón xuân và chúc sức khỏe các cô, các chú; mong các cô các chú làm việc tốt hơn nữa”. Mọi người vỗ tay hồi lâu. Rồi Bác nâng ly mời tất cả cùng vui tết. Bác đến tận từng người, hỏi qua về công việc và chạm ly chúc mừng. Khi Bác đến chỗ tôi, do quá hồi hộp, tôi làm cốc bia sóng sánh và suýt đổ ra ngoài. Thấy vậy, Bác bảo: “Cháu cẩn thận kẻo đổ bia”.
Giờ đây đã qua bao cái tết mà tôi vẫn cứ nhớ như in mùa xuân năm đó. Cử chỉ âu yếm, những lời Bác dạy khiến tôi không bao giờ quên được. Đó cũng chính là vinh dự và niềm tự hào cho một người lính, một CCB đã có được những năm tháng phục vụ vị lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc. Tôi luôn tâm niệm và lấy những lời Bác Hồ dạy để soi vào cuộc sống của mình, làm tốt hơn nữa trách nhiệm của người CCB, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Tết Tân Mão đã về, thêm một mùa xuân nhớ Bác.
Bài và ảnh: LÊ ANH