Các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra ở nhiều nước trong thế giới Arab từ cuối năm 2010 với lý do phản đối các chính phủ tham nhũng, vi phạm nhân quyền hay đói nghèo cùng cực đã dẫn tới sự thay đổi chế độ ở các quốc gia này. Cuộc cách mạng được đặt cho cái tên rất mỹ miều: Mùa xuân Arab. Thế nhưng, mùa xuân chẳng thấy hoa hồng, chỉ thấy nhiều quốc gia vẫn chìm trong xung đột và bạo loạn.

Libya, Yemen, Sudan, Syria…vẫn chưa thấy được mùa xuân.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hiện kiểm soát thủ đô Tripoli với sự hậu thuẫn của các nhóm dân quân, trong khi một chính quyền đối địch hoạt động ở miền Đông Libya được Tướng Khalifa Hafta hậu thuẫn. Từ đầu tháng 4 đến nay, Tướng Hafta đã phát động chiến dịch nhằm kiểm soát thủ đô Tripoli, làm gia tăng các cuộc giao tranh tại khu vực thủ đô này. Tổ chức Y tế thế giới ngày 19-4 công bố báo cáo cho biết đã có tổng cộng 213 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương và khoảng 25.000 người phải sơ tán bởi các vụ giao tranh ở đây.

Trong khi đó, Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa nhóm vũ trang Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận. Theo Liên Hợp quốc, cuộc xung đột leo thang đầu năm 2015 đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người tại Yemen; đồng thời khiến quốc gia Trung Đông này chìm trong cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới với hơn 80% dân số, tương ứng 24 triệu người, phải sống trong cảnh khốn khó, cần được cứu trợ nhân đạo.

Ở Sudan, cuộc cách mạng đã dẫn tới việc Nam Sudan tách ra thành một quốc gia độc lập trong khi phần còn lại của Sudan có một chính quyền mới. Trong khi tình hình an ninh, chính trị, kinh tế không được cải thiện thì mới đây chính quyền của Tổng thống Omar al-Bashir lại bị lật đổ. Tệ hơn, ngày 21-4, người đứng đầu Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan cho biết nhà chức trách đã thu giữ hơn 113 triệu USD tiền mặt tại nhà riêng của ông Omar al-Bashir.  Điểm qua tình hình một số quốc gia như vậy để thấy Mùa xuân Arab đã đẩy các quốc gia vào nội chiến, chia rẽ, đói nghèo, tham nhũng…

Trong nhiều lý do dẫn tới thực trạng này nổi lên việc chi phối của nước ngoài vào các cuộc cách mạng. Việc chi phối có thể từ kích động biểu tình tới ra mặt ủng hộ một phe phái nào đó.

Ngày 19-4, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với Tướng Khalifa Haftar về "những nỗ lực chống khủng bố cũng như sự cần thiết phải đạt được nền hòa bình và ổn định tại Libya". Theo thông báo của Nhà Trắng, hai bên cũng trao đổi chia sẻ "tầm nhìn chung đối với tiến trình chuyển tiếp tại Libya để hướng tới một hệ thống chính trị ổn định, dân chủ". Như vậy, có thể thấy Mỹ đang can thiệp vào Libya khi phe của Tướng Haftar chống lại GNA được quốc tế công nhận.

Những động thái can thiệp có thể diễn ra ngấm ngầm hoặc công khai nhưng đều dẫn tới một kết cục là các quốc gia bị can thiệp trên khó ổn định được an ninh, chính trị và tất nhiên kinh tế không thể phát triển.

Làn sóng Mùa xuân Arab đã trôi qua nhưng tro hồng chiến cuộc vẫn cháy âm ỉ ở các quốc gia nơi có virus của cuộc cách mạng này.

Ngọc Hưng