Tám vụ nổ liên tiếp ở các khách sạn và nhà thờ ở Sri Lanka ngày 21-4 đã cướp đi sinh mạng của hơn 350 người và khiến hàng trăm người khác bị thương. Các bằng chứng cho thấy đây rõ ràng là các vụ đánh bom khủng bố.

Ngay trong ngày 21-4, Chính phủ Sri Lanka thông báo quyết định cấm truyền thông xã hội. Thư ký của Tổng thống Sri Lanka, Udaya R. Seneviratne thông báo: "Chính phủ đã quyết định chặn tất cả các nền tảng truyền thông xã hội nhằm ngăn chặn tình trạng lan truyền thông tin không chính xác và sai lệch". Thông báo nêu rõ "đây chỉ là một biện pháp tạm thời".

Biện pháp được cho là tạm thời này của Sri Lanka lại rất kịp thời để tránh việc thảm họa nối tiếp thảm họa khi truyền thông xã hội bị lợi dụng để phát tán tin giả, tin không chính xác, tin kích động… Bên cạnh đó, biện pháp này của Sri Lanka cũng giảm được việc phát tán các hình ảnh bạo lực hay gián tiếp giúp khủng bố “quảng bá chiến tích” sau các vụ tấn công của chúng.

Biện pháp này cũng giống việc nữ  Thủ tướng New Zealand không nhắc tới tên của kẻ khủng bố đã xả súng sát hại hàng chục người ở hai nhà thờ ở Christchurch hồi tháng 3 vừa qua, bởi theo bà những kẻ khủng bố không xứng có một cái tên.

Mạng xã hội giúp người dùng kịp thời kết nối, chia sẻ nhưng cấm mạng xã hội kịp thời trong những tình huống cụ thể như Sri Lanka cũng là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ người dân, đất nước.

Nam Long