25 năm lăn lộn nhiều chiến trường để chụp những bức ảnh sống động nhất về những trận chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, điều đọng lại nhất trong ông là tình yêu của người phóng viên ảnh đối với đồng đội nơi chiến trận. Để rồi, sau nửa thế kỷ, những ký ức về những ngày ấy luôn cháy bỏng trong ông. Ông là Trịnh Liêm - nguyên phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam vào những năm 1966-1991.

Vai đeo súng, tay bấm máy

Lần theo địa chỉ của đồng nghiệp, tôi tìm đến nhà ông chiều cuối tuần. Căn nhà khá khang trang ở xóm 1, xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa do con trai ông mới xây hơn 1 năm trước. Nhìn tôi mặc quân phục Hải quân, ông Liêm thân mật bắt tay: “Đồng chí ở đơn vị nào tới đây?”. Sau khi tôi nói công tác từ Vùng 2 Hải quân, đến để xin nghe ông kể về những ngày ông chụp ảnh trên chiến trường, như gợi nhắc một thời máu lửa, tâm huyết, ông Liêm phấn khởi nói: “Ngày ấy không thể nào quên được. 25 năm cầm máy, nhiều kỷ niệm lắm”.

Mời tôi ly nước trà xanh giữa căn nhà còn thơm mùi sơn mới, ông Liêm nói với tôi như nói với đồng đội ông khi ở chiến trường: “Chiến tranh khốc liệt lắm. Để chụp được tấm ảnh bộ đội chiến đấu giữa bom đạn quân thù không hề đơn giản. Phóng viên cũng là chiến sĩ và cũng sẵn sàng hy sinh…”. Nối rồi, ông rưng rưng nước mắt nhìn ra khoảng trống sân nhà. Ký ức một thời vai đeo súng, tay bấm máy ùa về trong ông.

Tháng 8-1967, cũng như nhiều nhà báo khác, ông Liêm được cấp trên điều động ra chiến trường để ghi lại những hình ảnh sống động nhất về cuộc chiến đấu hào hùng của quân và dân ta. Khoác ba lô vào chiến trường, hành trang người phóng viên ảnh là chiếc máy ảnh do Liên Xô sản xuất, 3 cuộn phim trắng đen và khẩu súng AK. Để có được tấm phản ánh tinh thần chiến đấu của bộ đội trên chiến trường, ông phải tìm những điểm cao, góc ảnh để bao quát được toàn bộ trận đánh, hoặc chụp những tấm ảnh cận cảnh khí thế tiến công của bộ đội xung phong. “Thời đó làm gì có máy ảnh hiện đại như bây giờ. Tất cả chụp bằng phim đen trắng hết. Chụp được ảnh rồi, nhưng chuyển phim về Tòa soạn để đăng báo cũng là một nhiệm vụ vô cùng gian khổ lúc đó. Nhưng bằng mọi cách phải chuyển phim về Tòa soạn một cách nhanh nhất để đăng báo” - ông Liêm chia sẻ.

Trong một lần 3 thê đội của Đại đội 1, thuộc Sư đoàn 390 mở cửa đánh chiếm đầu cầu, đánh thọc sâu vào lô cốt địch, một chiến sĩ bị thương ở ngực, chân trái dập nát, máu chảy đầm đìa, bị vùi lấp dưới giao thông hào. Trong lúc chạy qua giao thông hào tác nghiệp, ông nghe người chiến sĩ kêu: “Cứu tôi với đồng chí ơi”. Dừng lại. Ông phát hiện cánh tay vùi dưới cát sỏi đang vẫy. Ông đưa máy bấm liền một kiểu, rồi nhảy xuống giao thông hào, gạt đất cát bế chiến sĩ bị thương chạy dọc về phía hầm quân y. Nhưng vết thương quá nặng, chiến sĩ ấy đã hy sinh. “Tôi chỉ kịp chụp lại tấm ảnh trước khi đồng chí ấy nhắm mắt và trao cho tôi một lá thư nói gửi về cho mẹ ở Hà Nam Ninh (nay là Ninh Bình). Hai bức ảnh chụp ở chiến trường ngày ấy sau đó được chuyển về tòa soạn Thông tấn xã và đăng lên trang nhất của báo. Khi tôi về hưu vẫn giữ tờ báo và tấm ảnh ấy, nhưng lúc làm nhà mới thì bị thất lạc, tiếc vô cùng, như mất báu vật”- ông Liêm hồi tưởng.

Tấm Huy chương - niềm tự hào

Ông Trịnh Liêm quê ở xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1959, ông  nhập ngũ vào Trung đoàn 230 Phòng không. Lúc đó, Thông tấn xã Việt Nam mở lớp đào tạo phóng viên ảnh phục vụ cho chiến trường miền Nam và ông được đơn vị Trung đoàn 230 gửi đi học phóng viên ảnh.

Sau thời gian học tập, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 270 đóng quân ở Việt Trì, Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ). Trong suốt thời gian này, ông vừa là chiến sĩ, vừa là phóng viên thâm nhập đời sống bộ đội và sẵn sàng đi chiến trường. Từ năm 1966 đến 1975, ông được chọn là phóng viên ảnh tăng cường cho chiến trường miền Nam. Là phóng viên chiến sĩ, ông Liêm vừa cầm súng chiến đấu, vừa tác nghiệp ghi lại những bức ảnh sống động nhất về người chiến sĩ miền Đông Nam Bộ chiến đấu trên chiến trường. Ông Liêm không còn nhớ đã chụp bao tấm ảnh đăng báo, nhưng ông luôn tự hào vì những tấm ảnh ấy đã góp phần cổ vũ, động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ trên chiến trường.

Nhìn lên tấm Huy chương “Vì sự nghiệp Thông tấn xã Việt Nam”, ông Liêm tự hào bộc bạch: “Khi ở chiến trường, vai đeo súng, tay bấm máy; trở về đời thường những kỷ niệm ấy không bao giờ quên. Những ngày làm phóng viên ảnh chiến trường, đã làm nên tấm huy chương này. Đó là phần thưởng tinh thần lớn nhất đối với tôi”.

Mai Thắng