Thứ nhất: đối với các trường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chia cắt, giao thông không thuận tiện, điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, Sở GD&ĐT lựa chọn phương án tổ chức thi và báo cáo giải trình với Bộ GD&ĐT bằng văn bản.

Thứ 2, đối với phần tự chọn (nếu có) trong đề thi thí sinh chỉ được làm bài một trong hai phần tự chọn; nếu làm bài cả hai phần tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm cả hai phần tự chọn.

Thứ 3, về sắp xếp danh sách thí sinh trong mỗi cụm trường, sẽ theo hai bước. Bước một là xếp theo môn thi ngoại ngữ (trừ thí sinh giáo dục thường xuyên), thứ tự là tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật và môn thi thay thế; bước hai là xếp danh sách thí sinh phải thi của mỗi môn thi ngoại ngữ và thí sinh của giáo dục thường xuyên (nếu có) theo thứ tự a,b,c,... của tên thí sinh.

Thứ 4, mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi nếu điểm bài thi thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó ở lớp 12 từ 1,0 điểm trở lên. Thời gian nộp đơn phúc khảo là trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày niêm yết công khai kết quả của kỳ thi.

Thứ 5, điểm của bài thi sẽ được điều chỉnh khi điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 1,0 điểm trở lên đối với môn ngữ văn và từ 0,5 điểm trở lên đối với các môn thi khác.

Thứ 6, tất cả mọi người tham gia tổ chức thi đều phải được học tập, nắm vững quy chế thi; tuyệt đối không được mang theo và sử dụng các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân trong khu vực thi khi các buổi thi đang diễn ra.

Thứ 7, trước khi giám khảo chấm bài thi tự luận, tổ trưởng tổ chấm thi tổ chức cho các thành viên nghiên cứu hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT và tiến hành chấm chung ít nhất 15 bài thi để giúp cho mọi giám khảo của tổ nhất quán thực hiện hướng dẫn chấm thi. Các bài chấm chung phải được cho điểm ngay sau khi thống nhất điểm, phải ghi rõ "bài chấm chung" kèm theo chữ ký của tổ trưởng tổ chấm thi và ít nhất hai giám khảo. Bộ GD&ĐT sẽ điều động thanh tra của sở thứ ba (không phải là thanh tra của sở có bài chấm, cũng không phải là thanh tra của sở chấm bài) đến làm nhiệm vụ thanh tra chấm ở các hội đồng chấm thi.

Cuối cùng, trong kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn thanh tra thi tốt nghiệp của bộ đến làm nhiệm vụ giám sát, đôn đốc việc thực hiện quy chế trong tất cả các khâu của kỳ thi tại các địa phương, đơn vị tổ chức thi.

Kim Loan