Chiến tranh đi qua đã mấy mươi năm rồi mà dư âm của nó vẫn còn rền rã trong lòng dân tộc với những cung bậc đầy nhạy cảm. Chỉ cần chạm khẽ vào hồi ức kỷ vật của một thời máu lửa là ngân rung thăm thẳm. Và, người lính, với muôn vàn số phận khác nhau đi qua cuộc chiến tàn khốc lâu dài ấy hình như chưa muốn khuất lấp trong lớp bụi thời gian vô cảm dày đặc mà vẫn còn muốn trò chuyện với cuộc sống hôm nay.
Một cuộc trò chuyện trong lặng im giữa bầu trời còn ám khét khói bom với lòng đất tối đen lạnh lẽo, giữa quá khứ họ đã từng sống; với hiện tại họ đã chết, và quan trọng hơn là giữa những người lính đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, với chúng ta...
Tôi xin được giải bày một chút cảm nhận của mình trong cái không gian đầy chất tưởng niệm này. Trước mắt tôi bây giờ là những giọt nước mắt của mẹ chảy từ trời xuống. Ngọn lửa bất tử rừng rực cháy khôn nguôi. Những bông hồng đặt chéo trên những nấm mộ chiến sỹ tượng trưng.
Mỗi di vật, hiện vật ở đây đều gắn với cuộc đời gian nan và những mất - còn của người lính. Phần lớn nó được đào lên từ lòng đất ẩm ướt hay cỗi cằn của những chiến trường xưa cùng với hài cốt chiến sỹ. Vì thế mà nó trở nên thiêng liêng như tấm chứng minh thư của người lính trận.
Cái không gian tôi nói ở đây chính là Nhà tưởng niệm và trưng bày di vật liệt sỹ của Quân khu 4. Ý tưởng xây dựng ngôi nhà đặc biệt này bắt đầu bằng những cuộc đi tìm đồng đội sau chiến tranh.
Quân khu 4 được Bộ Quốc phòng giao cho nhiệm vụ quy tập mộ liệt sỹ từ rất sớm, chủ yếu là ở Lào. Nhiều hài cốt liệt sỹ không có tên tuổi nhưng lại có hiện vật chôn cùng. Những hiện vật quen thuộc gắn bó với cuộc đời chinh chiến của người lính. Những hiện vật do tự tay người lính kỳ cạch làm ra để tặng người thân. Tại sao ta không trưng bày những di vật này để đồng đội còn sống của các liệt sỹ nhận ra họ và cũng là để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thê hệ sau?
Bắt đầu, vâng, bắt đầu từ câu hỏi đó, Nhà tưởng niệm và trưng bày di vật liệt sỹ được dựng nên giữa thành phố Vinh, trong khu bảo tàng Quân khu 4
Trong ngôi nhà hai mái đậm nét kiến trúc truyền thống là đôi cõi âm-dương vừa cách biệt vừa giao hoà vào nhau; phần âm gồm các di vật liệt sỹ, phần dương là những hình ảnh khi các anh các chị còn sống và hành trình đi tìm đồng đội của những người lính hôm nay.
Còn đây những bước chân hành quân xuyên Trường Sơn. Còn đây, dưới bầu trời mây bay những gương mặt chiến sỹ lấm lem bùn đất, khói đạn, ôm súng chờ địch đến. Còn đây những nụ cười sáng lên dưới chân Thành cổ Quảng Trị. Còn đây những người lính trẻ cắt tóc cho nhau giữa vùng bom đạn tơi bời. Còn đây...
Bên cạnh đó là những tấm bia liệt sỹ bằng đá núi, bằng cây rừng, bằng tôn...; những tấm bia do người lính tự tạo ra trong hoàn cảnh khốc liệt gấp gáp của cuộc chiến cắm lên mộ đồng đội. Do phải giữ bí mật nên không ít tấm bia chỉ ghi: Lê Tâm Huyền, Mai Thế Phụng, K6, B10...
Đằng sau những tấm bia đơn sơ ấy là những cuộc đời có thật. Họ đã sống, chiến đấu, công tác và hy sinh cho Tổ quốc. Nhưng để gọi được đúng tên tuổi, quê hương, đơn vị của các anh thì quả thật nan giải vô cùng.
Trong không gian linh thiêng sâu lắng này tôi có cảm giác như các anh, chị đang sống, đang trò chuyện với chúng tôi.
Từ một mảnh võng còn sót lại trên đó chưa phai hai dòng tên: Lâm Ánh Bè - Ngô Thị Lan. Di vật này Bảo tàng Quân khu 4 lấy từ chiếc võng bọc hài cốt liệt sỹ cất lên tại bản Na Phông ở Lào. Sau khi di vật được thông tin, vào ngày 20-7-2001 một đồng đội của liệt sỹ là cựu chiến binh Đỗ Quốc Hiền quê Phú Thọ đã xác minh được quê của anh Lâm Ánh Bè ở xóm Đức Thắng, Đông Quang, Đông Sơn, Thanh Hoá và Ngô Thị Lan là vợ người đã hy sinh.
Từ một tấm gương nhỏ phía sau có ảnh người mẹ tìm thấy cùng hài cốt liệt sỹ ở Khăm Muộn - Lào. Qua di vật này may mắn thay, người ta đã xác minh được người trong ảnh là bà Dương Thị Diệp mẹ của liệt sỹ Bùi Danh Hương quê Thanh Long, Yên Mỹ, Hưng Yên.
Từ một chiếc cối giã trầu làm bằng vỏ đạn chưa kịp gửi về cho mẹ, một cái lược làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ chưa kịp gửi về cho người yêu ở quê nhà, đôi dép làm bằng lốp xe ô tô chưa kịp gửi cho con... ta rưng rưng cảm nhận được nỗi nhớ thương da diết hậu phương của các anh.
Trong cuộc chiến tranh ấy, các anh phải vượt qua sự khốc liệt dữ dội của đạn bom. Gian nguy kể sao cho xiết. Nhưng có lẽ, phải vượt qua nỗi sợ hãi thông thường của con người mới là thử thách lớn hơn cả.
Ai chẳng muốn được sống để trở về với mẹ cha, với người vợ, người yêu của mình sau chiến tranh. Chẳng ai muốn chết trẻ cả nhưng vì độc lập tự do của Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế cao cả, họ tự nguyện xả thân dâng hiến.
Bài học về lòng yêu nước nồng nàn và giản dị được thể hiện sinh động ở đây. Từ những đôi dép cải tiến từ đế giày cao cổ “siêu bền” bị hỏng ở phần vải đến khẩu súng AK bị gãy báng cháy nham nhở, lưỡi dao găm đã bị rỉ, chiếc bi đông dúm dó, cái bát sắt sứt sẹo, sợi dây thừng vượt dốc cheo leo...
Và cuối cùng là tấm giấy báo tử ố vàng.
Tôi không làm sao cầm nổi nước mắt khi đọc trang nhật ký có vết vân tay thấm máu của một chiến sỹ: "E... không thể sống được. Chào mẹ, anh, cháu...".
Hướng dẫn viên Bùi Thị Bích Ngọc bùi ngùi nói với tôi: "Liệt sỹ này chưa tìm được hài cốt anh ạ!"...
Đây nữa, không xúc động sao được khi ta đứng trước 136 bức thư đã được kết thành hình trái tim của liệt sỹ Nguyễn Anh Mậu, bộ đội Đoàn 559 gửi cho vợ là chị Hoàng Thị Síu ở Hưng Yên. Có một trang nhật ký của anh Mậu ghi:
"Xin thề

  1. Nguyện suốt đời giữ trọn chữ yêu thương tình chồng vợ.
  2. Thường xuyên phải quí mến, đùm bọc lẫn nhau.
  3. Phải vững vàng khi gian nan trở ngại, để cùng nhau vun trồng cho hạnh phúc của gia đình.
  4. Phải thương yêu quí mến các con, nuôi nấng dạy dỗ con tiến bộ.
  5. Không chửi bới, đánh đập lẫn nhau, không giận dữ nhau lâu, không nên để ý những nét vụn vặt".
    Lời thề còn đó nhưng người lính đã hoá thành cỏ cây. Sau cuộc chiến, anh không được trở lại quê nhà để cùng với vợ “vun trồng cho hạnh phúc của gia đình” và “nuôi nấng dạy dỗ con tiến bộ”. Cái hạnh phúc bình dị đời thường đôi khi lại quá xa vời với người lính.
    Khi đất nước có chiến tranh những người lính gánh trên vai số phận dân tộc.
    Nói như vậy chắc cũng không có gì quá đáng. Non sông đã liền một dải, độc lập tự do đã về với nhân dân, nhưng không ít người lính ra đi mãi mãi.
    Dưới bầu trời hoà bình vẫn chưa tan những cơn bão thời hậu chiến.
    Dải đất hình chữ S, từ Bắc vào Nam trùng điệp bia mộ liệt sỹ.
    Một tỉnh Quảng Trị nhỏ bé đã có nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn và Đường Chín với khoảng hai mươi nghìn mộ chí lại còn gánh thêm một Thành cổ gần vạn hài cốt chiến sỹ đang nằm dưới cỏ.
    Về Thành cổ Quảng Trị, soi vào dòng Thạch Hãn lặng lẽ chảy về biển cả, tôi đã thốt lên: “Khi người lính lặng yên tan vào đất/ Là cuộc đời chảy mãi những dòng sông...”.
    Vâng. Mỗi người lính hy sinh là một dòng sông thiêng chảy trong lòng dân tộc như khúc tráng ca bi thương. Và, trong hành trình về cõi bất tử họ vẫn dừng lại ở đâu đó trò chuyện với ta qua những kỷ vật thấm máu và mồ hôi của một thời trận mạc.
    Họ vừa là bầu trời bao la vừa là lòng đất sâu thẳm, vừa là quá khứ bi hùng vừa là hiện tại tràn trề hy vọng, vừa là ngọn lửa truyền thống vừa là cơn gió mang đầy dự cảm của tương lai...
    Nguyễn Hữu Quý