Chỉ 5 năm (1956-1962) ở với Thủ đô, trong đó có nhiều ngày, nhiều tháng đi thực tế dưới các đơn vị, nhưng kể từ ngày ông chia xa Hà Nội (đã ngót 60 năm) mỗi khi nhắc tới tờ Văn nghệ Quân đội, nhắc tới văn học những năm hòa bình đầu tiên trên đất Bắc XHCN, bạn viết, bạn đọc, đặc biệt là các nhà văn quân đội và bạn đọc Thủ đô và những người thân lại không thể không nhắc tới những kỷ niệm chẳng thể nào quên về ông.
Những kỷ niệm về nhà văn - liệt sĩ Anh hùng ấy có kỷ niệm riêng và chung, buồn và vui lẫn lộn. Và, bên cạnh những dòng đoạn về văn nghiệp của nhà văn lại có những chuyện nhỏ về đời thường của ông - một đời thường tưởng như êm đềm, lãng mạn mà biết bao là bão gió, biết bao nỗi đắng cay, dang dở - nửa đoạn, nửa đời dường như là tất cả: vợ con, sự nghiệp, công danh...
Sinh thời nhà thơ Thanh Tịnh, một nhà văn đàn anh, một “sếp lớn” của “nhà số 4” - Văn nghệ Quân đội; đồng thời cũng một thời sống cảnh “ngày Bắc, đêm Nam” như Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi mỗi lần đi qua căn phòng nhà văn từng ở lại khẽ khàng dừng lại thật lâu. Ông kể: Căn buồng này (căn buồng thứ 2, trên lầu phía tay phải bước từ cầu thang lên của tòa biệt thự số 4 - phố Lý Nam Đế (Hà Nội), Nguyễn Ngọc Tấn ở chung với Nguyễn Khải lúc Văn nghệ Quân đội mới thành lập, sau Khải lấy vợ sang ở bên Xưởng phim Quân đội (17 - Lý Nam Đế), chỉ còn Tấn. Tấn sống nội tâm, ít nói ít cười và hay thức rất khuya, để viết để nghĩ? Nghĩ viết chắc đều đăm đắm về miền Nam - nơi còn bời bời máu lửa chiến tranh, nơi có người vợ trẻ và đứa con gái vừa sinh mà nhà văn chưa biết mặt. Cũng theo Thanh Tịnh, tác giả của những tập truyện ngắn trứ danh (Trăng sáng-1960, Đôi bạn-1962...) trong những đêm mất ngủ đã rất ác cảm với cái loa công cộng “tám miệng hình chữ nhật” mắc nơi vuờn hoa Hàng Đậu bên kia đường cứ xa xả suốt ngày và có hôm trọn cả đêm!
Hai tập truyện ngắn “Trăng sáng” (NXB Văn học-1960) và “Ðôi bạn” (Nxb Văn học-1962) về sau được gộp lại lấy tên chung là “Trăng sáng” (Nxb Văn học-1971, 244 trang) được viết trong những ngày tác giả sống trong cảnh “ngày Bắc, đêm Nam” mang đậm hơi thở thời đại cùng những dấu ấn cá nhân tác giả. Ấy là tình yêu Nam-Bắc trong cảnh chia cắt, là tình nghĩa quân dân (giữa đồng bào miền Bắc với bộ đội miền Nam tập kết) và tội ác của Mỹ-ngụy. Thái độ của Nguyễn Ngọc Tấn trước cuộc sống được thể hiện trong các tác phẩm thời kỳ này luôn dứt khoát. Ông đứng hẳn về phía cái tốt cái đẹp, cái mới; phê phán đả kích cái xấu cái lỗi thời. Truyện ngắn của ông thường là dễ đọc, giàu chất thơ mà vẫn nặng tình đời! Gây được sự chú ý, tạo được dư luận nhất là truyện ngắn “Im lặng” được in lần đầu tiên trên Văn nghệ Quân đội tháng 12-1957, sau được in trong tập “Đôi bạn”.
Mở đầu truyện, tác giả viết : “Tôi đến đấy vào lúc đã mờ mặt người. Chưa bao giờ tôi gặp ở miền Bắc có những chiều hè dai dẳng, nặng nề như thế. Không khí oi ói không gợn gió, mây phủ hết lớp này đến lớp khác như một tấm mền bông xám ngoét muốn úp lấy thân người, rơi xuống đầu người. Mây che mất ánh sáng và gói tròn không khí lại. Dưới cái mền bông khổng lồ ấy, những con người ngơ ngác nhìn nhau, lo ngại đến một ngày giông bão, đổ vỡ. Tôi đứng lại bờ sông như phải đội cả khoảng trời nặng nề ấy trên đầu. Từng đống cá sắp được đem đi công trường xếp thẳng hàng trước mặt. Nước tháng bảy cuốn nhanh như chạy trốn, rủ những đám bèo bọt, cành cây lũ lượt sợ hãi chạy theo. Bên kia sông, bóng khu nhà quân y viện đen xám lẫn với màu mây. Một hồi kẻng chiều rền rĩ, xoáy vào không gian, miệng tôi như cắn phải một múi chanh, nhăn mặt lại. Bước khỏi cổng ngoài bằng nứa quét vôi của quân y viện, tôi nghĩ ngay đến việc mình đi thăm sai giờ. Ấy thế nhưng tôi cứ bước, cũng như những ý nghĩ lạ lùng đã thúc đẩy tôi phải đi, ngay từ lúc bước chân lên chuyến ô tô cuối cùng về đây. Chị y tá nhìn tôi bằng con mắt rất tròn, trả lời như thương hại: “Đồng chí Hải là người miền Nam phải không? Tiếc cho anh quá!...”.
Truyện ngắn “Im lặng” của Nguyễn Ngọc Tấn viết về Hải - một người đàn ông quê Lái Thiêu mạnh mẽ và hào sảng nhập cuộc kháng chiến. Thế nhưng, Hải phải vào quân y viện vì bị tâm thần sau cú sốc gia đình. Vợ của Hải cũng là liên lạc viên, nhưng bị Lộc - một đồng đội phản phúc của Hải, rình mò hãm hiếp. Trong cái đêm khủng khiếp đầu tiên, vợ của Hải đã im lặng, không phải đồng lõa với Lộc mà vì không muốn lực lượng cách mạng mất đi một trinh sát giỏi “Bao nhiêu lô cốt khó khăn nguy hiểm nó đều mò vào đặt mìn được, Ban chỉ huy tiểu đoàn coi nó như con cưng, nhân dân tôn sùng nó như đấng thánh thần”.
Trong nỗi “Im lặng” của Nguyễn Ngọc Tấn, thấy cả dân tộc gắng sức vượt qua đau thương để hướng đến cái lớn lao hơn là sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Một truyện ngắn nhiều ám ảnh riêng tư, có phần u ám, đớn đau, nhưng toát lên lòng vị tha trắc ẩn, thương người, yêu người và tin tưởng vào những giá trị tinh thần trong sạch không phụ thuộc vào thân xác! Cùng với các tiểu thuyết “Người mẹ cầm súng”, “Ở xã Trung Nghĩa” theo Quyết định số 392 KT/CTN do Chủ tịch Trần Đức Lương ký ngày 1-9-2000, các tập truyện ngắn “Trăng sáng”, “Đôi bạn” được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2).
Chuyện kể rằng, hôm Nguyễn Ngọc Tấn lên đuờng đi chiến trường B, nhà thơ Thanh Tịnh đã tặng nhà văn một chiếc bật lửa và con dao. Ông nói với người bạn văn trẻ, ông già rồi không ra sa trường được nữa, cũng không có vàng bạc, châu báu tặng người đi xa, chỉ có lửa làm của tin... Và, không biết Nguyễn Ngọc Tấn đã dùng cái bật lửa và con dao nhỏ kia của nhà thơ đàn anh tặng khi vượt Trường Sơn vào mãi miền Đông, miền Tây Nam Bộ rồi vô Sài Gòn ra sao, chỉ biết rằng cuối mùa xuân năm Mậu Thân - 1968, được tin nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn hy sinh, nhà thơ già đã thầm rơi nước mắt khi lặng lẽ bước vào văn phòng xưa của người sĩ quan thuộc cấp... Ở đó mọi thứ đã không còn như xưa nữa, nhưng dòng chữ viết bằng tiếng Pháp “Adieu Ha Noi”! viết trên chiếc cửa sổ hình tròn thì vẫn còn. Dòng chữ ấy, Thanh Tịnh bảo là của một viên sĩ quan Pháp viết khi phải cuốn gói khỏi Hà Nội năm 1954 mà khi mới về tiếp quản Hà Nội ông đã thấy. Bên dưới mấy chữ ấy là chữ Nguyễn Ngọc Tấn chắc và đậm: “Xin vĩnh biệt Hà Nội!”, có lẽ mấy chữ này được nhà văn trẻ viết trước hôm xa Hà Nội. Và, như một định mệnh, sau lần ấy, Nguyễn Ngọc Tấn mãi mãi không về lại Thủ đô, về lại ngôi nhà chung của các bạn văn Hà Nội!, không về lại căn hộ tập thể khu gia binh số 3B - phố Ông Ích Khiêm, quận Ba Đình, nơi có người vợ trẻ và đứa con trai yêu quý có cái tên khai sinh mà ông lấy làm bút danh - Nguyễn Thi đêm ngày vò võ chờ mong, nhưng những trang viết nói theo ngôn ngữ lúc bấy giờ là còn “nóng bỏng hơi thở mặt trận” của ông vẫn tới tấp bay về hậu phương lớn miền Bắc, bay ra Hà Nội!
Thập Tam trại, mùa đông 2017
Ngô Vĩnh Bình