Năm 2013, Hội CCB quận Cái Răng, TP. Cần Thơ được giao cảm hóa, giáo dục tại cộng đồng 57 thanh, thiếu niên là những đối tượng tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn. Kết quả đã có 48 đối tượng được công khai, công nhận tái hòa nhập cộng đồng.
Qua đánh giá rút kinh nghiệm cho thấy, đây là một mô hình dân vận mới mà Hội CCB có những thuận lợi hơn các đoàn thể khác là cách tiếp cận, nhìn nhận điều kiện, hoàn cảnh của từng đối tượng một cách khách quan. Vượt lên trên hết là sự tận tâm, đến với các cháu là tình thương và trách nhiệm. Dùng hành động gương mẫu của mình để cảm hóa giáo dục bằng nhiều biện pháp phù hợp với từng người. Không dùng biện pháp hành chính đơn thuần dễ bị ngộ nhận là phân biệt đối xử hoặc mặc cảm. Trong đó, chi hội Phú Tân, phường Tân Phú đã mạnh dạn đề xuất xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “Dân vận khéo” nhằm từng bước kiềm chế đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, phổ biến tới hội viên, phân công trách nhiệm từng khâu, từng hội viên phụ trách từng đối tượng và định kỳ báo cáo kết quả. Vai trò của cán bộ, hội viên đảng viên là kiểm tra, giám sát, uốn nắn, rút kinh nghiệm kịp thời. Lấy việc tốt của đối tượng này để làm gương cho những đối tượng chưa tốt; cần thiết công khai kiểm điểm trước dân. Do đó chi hội Phú Tân, đã nhận 27 đối tượng và đã có 23 đối tượng tiến bộ, dẫn đầu trong số các chi hội trong quận. Có những đối tượng tâm sự: “Ngày trước cũng có công việc làm ăn như bây giờ, nhưng nhà tôi vẫn thiếu trước hụt sau, do việc bài bạc của tôi mà ảnh hưởng đời sống của gia đình”. Chi hội Yên Bình, phường Lê Bình lại là căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh của từng đối tượng mà giao việc để khơi dậy cái tốt, tính tích cực, tạo ý thức vì cộng đồng, tự quản lý lẫn nhau, xóa ý thức mặc cảm cho đối tượng.
Đến nay, quận Cái Răng không còn thanh - thiếu niên chậm tiến. Các đối tượng được cảm hóa, giáo dục có công ăn việc làm. Một số bổ sung cho lực lượng dân phòng, tổ tuần tra nhân dân hoặc dân quân tự vệ... Tình hình an ninh trật tự được ổn định từ thành tích của Hội CCB quận Cái Răng.
Nguyễn Văn Dưng