Gần 40 năm sau chiến tranh, hậu quả của chất diệt cỏ da cam/đi-ô-xin mà Mỹ sử dụng thật nặng nề và còn kéo dài cho tới các thế hệ kế tiếp. Giải quyết, khắc phục những hậu quả đối với môi trường và sức khỏe con người bởi hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ có chứa dioxin mà Mỹ rải tại Việt Nam trong chiến tranh từ năm 1961 đến 1971 đang là quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính chính trị.
Theo số liệu điều tra của Bộ LĐTBXH, tổng số 15.900.980 hộ dân trong cả nước, có gần 190.000 hộ (khoảng 1,2% số hộ) có người bị hậu quả chất độc hóa học. Tổng số người bị hậu quả chất độc hóa học trên cả nước là gần 450.000 người, trong đó, số người tham gia kháng chiến bị hậu quả chất độc hóa học là trên 100.000 người, không kể những người bị hậu quả gián tiếp chất độc hóa học.
Chính sách ưu đãi với nạn nhân chất độc hóa học được thực hiện từ năm 2000 bởi Quyết định số 26 của Thủ tướng Chính phủ và đưa vào Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (số 04/2012/PL-UBTV/QH13). Sau 14 năm thực hiện đã có hàng trăm nghìn người trực tiếp tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng của chất độc hóa học được hưởng chính sách chế độ của Nhà nước.
Chính sách đối với người bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin có ý nghĩa lớn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo, đền ơn trả nghĩa của Nhà nước và xã hội đối với một bộ phận người có công; đáp ứng bước đầu sự đòi hỏi cấp bách của cuộc sống, kịp thời có chính sách ưu đãi với hàng trăm ngàn người ốm đau, bệnh tật, chịu ảnh hưởng khủng khiếp bởi di họa của chất độc hóa học để lại.
Tuy nhiên, tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin; đề xuất phương hướng và giải pháp chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện”, là đề tài khoa học cấp Nhà nước vừa được VAVA tổ chức, nhiều bất cập của chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin được đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tại các địa phương cho biết, khi triển khai chính sách hiện hành tại các địa phương đang rất vướng do sự thiếu đồng bộ trong các văn bản hướng dẫn gây ách tắc trong khâu lập hồ sơ, như các giấy tờ chứng minh thời gian, địa bàn tham gia kháng chiến vùng bị rải chất độc hóa học; tên ký hiệu các loại bệnh; việc giám định y khoa để xác định tỷ lệ mắc bệnh rất chậm, phiền phức… Ông Tạ Vân Thiều, Cục phó Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) lý giải: Bất cập lớn trong chính sách thực hiện với những người có công bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin là hiện chưa có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn về bệnh, tật, dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Bên cạnh đó, do quy định của chính sách chưa thật cụ thể, khoa học, nên việc áp dụng, thực thi chính sách tại một số địa phương hiểu mỗi nơi một kiểu; có nơi áp dụng tràn lan, giải quyết tùy tiện khiến chính sách chưa đảm bảo sự công bằng. Do đó, hoàn thiện chính sách đối với người bị nhiễm chất độc hóa học, đặc biệt là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là yêu cầu cấp thiết.
Trong bối cảnh hiện nay, Cục Người có công đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách. Thứ nhất là hoàn thiện xác nhận người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, gồm hai phương án: Xác nhận người mắc bệnh, tật, di dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học trên cơ sở kết luận của cơ quan y tế. Điều kiện xác nhận là có thời gian tham gia kháng chiến vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học trước ngày 30-4-1975; mắc bệnh, tật được Hội đồng Giám định y khoa có thẩm quyền quyết định. Phương án 2 là xác nhận và giải quyết chế độ cho người bị nhiễm chất độc hóa học trên cơ sở thực chứng. Thứ hai là hoàn thiện chính sách về trợ cấp: Hoàn thiện chế độ trợ cấp ưu đãi với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cần được giải quyết như chế độ trợ cấp đối với bệnh binh. Thứ ba là hoàn thiện chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội tức là những ưu đãi ngoài trợ cấp như chế độ nuôi dưỡng tập trung, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo…
Bài và ảnh:
Quang Vinh