Trong thẳm sâu từ đáy lòng, ông Hạ Văn Phượng với chất giọng thật ngán ngẩm cho rằng: “Trận chiến phương Bắc ngày 17/ 2 /1979, tôi và những đồng đội của mình đã chiến đấu thật anh dũng để giữ từng tấc đất thiên liêng của Tổ quốc. Tuổi thanh xuân hừng hực ngày ấy, chúng tôi không tiếc gì máu sương trước quân thù, sẵn sàng đón nhận cái chết bất cứ lúc nào cho một sự nghiệp cao cả đó, tai tôi bị ù đi và nói to như bây giờ cũng là dư chấn của đợt chết hụt đó… Tuy nhiên, khi trở về cuộc sống đời thường, muốn lao động và cống hiến một cách nghiêm túc thì lại bị mấy anh công an ở địa phương ít hiểu biết pháp luật o ép đến nghẹt thở..?!”

**Bị tịch thu tài sản oan ức **

Năm 2006, ông Hạ Văn Phượng đã thành lập Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Phượng, sau đó thuê địa điểm mở Cửa hàng kinh doanh bán xe gắn máy tại đầu Cầu Phà, thuộc tổ 1, phường Đức Xuân thị xã Bắc Kạn (Bắc Kạn). Tuy mới mở ra, nhưng cửa hàng của ông Phượng luôn đông khách, một số kẻ gian ghen ghét đã phá hoại như: ném vỡ kính cửa vào lúc nửa đêm. Thấy nguy hiểm cho mình và nhân viên trông cửa hàng, ông Phượng đã thành lập một tổ bảo vệ, đồng thời gửi văn bản đến Phòng quản lý trật tự hành chính - Công an tỉnh Bắc Kạn xin mua công cụ hỗ trợ bảo vệ tài sản tại cửa hàng là một khẩu súng bắn đạn hơi cay.

Không được ăn thì đạp đổ

Cùng thời điểm đó, công ty của ông Phượng kinh doanh gặp khó khăn về chỗ thuê. Đầu năm 2008, thị xã Bắc Kạn mở rộng quốc lộ 3, cửa hàng ông Phượng lại phải di chuyển đến địa điểm khác và địa điểm mới là do thuê lại cửa hàng của Công ty TNHH Xây dựng Trường Sơn tại tổ 11a, phường Đức Xuân thị xã Bắc Kạn. Có địa điểm và hợp đồng thuê nhà, ông Phượng đầu tư tu bổ lại ngôi nhà cho đẹp để làm nơi trưng bày và bán xe máy. Cứ tưởng mọi chuyện sẽ ổn từ đây khi hợp đồng thuê mượn còn tới 5 năm nữa mới hết hạn, nào ngờ vừa tu bổ sửa chữa hơn 100 triệu vào cửa hàng xong, thì ông chủ cũ xuất hiện với lý do chỉ cho Công ty Trường Sơn thuê chứ không cho ông Phượng thuê lại. Việc dằng co qua lại khi ông Phượng đã đầu tư vào rồi, trả tiền cho Công ty Trường Sơn cũng đã xong, tuy nhiên chủ nhà là anh Liêm công tác tại Bảo hiểm xã hội tỉnh thường xuyên xuất hiện, gây khó khăn cho công việc kinh doanh. Ông Phượng đành bấm bụng bỏ qua, đôi khi ông Liêm còn hăm doạ, ông Phượng cũng đành chịu nhẫn nhục khuyên giải cho ông Liêm hiểu rằng: Việc thuê nhà này đã có Hợp đồng gữa ông Phượng với Công ty Trường Sơn, tiền thuê đã thanh toán hết cho bên đó, hơn nữa đã bỏ tiền sửa chữa quá nhiều, nếu muốn lấy lại thì phải đề nghị phía Trường Sơn bồi hoàn Hợp đồng mới trả lại nhà được. Thế nhưng, mọi hy vọng cho mọi việc tốt lành đã không xảy ra mà ông Liêm cứ quyết lấy, còn phía ông Phượng quyết đòi tiền bồi hoàn thế là xảy ra tranh chấp...

Luật pháp ở đâu?

Biết ông Hạ Văn Phượng vốn là người hiền lành và thân cô thế cô, khoảng 9 giờ 40 phút sáng ngày 09/01/2009, ông Nguyễn Lê Thanh trú tại tổ 4, phường Sông Cầu thị xã Bắc Kạn (lúc đó là cán bộ Chi cục QLTT) đã đến doạ nạt, chửi bới ông Phượng, bắt ông Phượng phải trả lại căn nhà cho ông Nguyễn Lê Liêm (vì ông Liêm là em trai ông Thanh), thấy ông Thanh chẳng liên quan gì đến hợp đồng thuê nhà cũng như các giấy tờ có khác, ông Phượng mời ông Thanh ra khỏi cửa hàng để ông còn bán hàng, đúng lúc đó ông Thanh “khùng” lên, chửi bới và doạ ông Phượng. Thấy nguy hiểm đến tính mạng, chợt nghĩ ra có khẩu súng được Công an tỉnh cho phép sử dụng bảo vệ tài sản doanh nghiệp, hiện để trong quầy lễ tân, ông Phượng đã đem bỏ vào túi quần đề phòng bất chắc. Thấy ông Phượng bỏ súng vào trong người, ngay lập tức ông Thanh gọi điện cho phía Công an đến xử lý. Ngay lập tức, Công an 113 đến cửa hàng ông Phượng lập biên bản sự việc và tạm giữ súng và giấy phép sử dụng súng. Tuy nhiên, lúc tại cửa hàng có hai khách hàng đang xem xe máy là Hà Sỹ Hậu và anh Phạm Văn Tuấn, cũng là người có mặt nên đã chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối, họ bất bình với cách làm của công an, bênh vực ông Phượng và khẳng định với cảnh sát 113 là ông Thanh đến doạ dẫm, gây sự, bắt ông Phượng phải chuyển đồ đạc ra khỏi cửa hàng để ông Thanh còn khoá cửa lại. Ông Phượng không nghe, vì cho rằng ông Thanh chẳng có liên quan gì đến ngôi nhà này lại làm vậy là không đúng. Lúc cảnh sát 113 đến thu hồi công cụ hỗ trợ, mọi người mới ớ ra rằng: Công cụ hỗ trợ này là giúp doanh nghiệp bảo vệ tài sản, ông Phượng xin đăng ký mua về là để sử dụng vào việc bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, khẩu súng bắn đạn hơi cay này đang là tài sản của doanh nghiệp, Công an cấp phép sử dụng và người được quyền sử dụng nó là nhằm bảo vệ tài sản doanh nghiệp, nhưng tại sao chưa kịp dùng để bảo vệ tài sản, lại bị Công an thu giữ tại nhà thì vô lý quá (!?).

Sự bất bình càng leo thang, khiến ông không thể bỏ qua, khi ngày 19/2/2009, ông Hạ Văn Phượng nhận được Quyết định số 01 ngày 16/1/2009, v/v “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”, do Thượng tá Hoàng Văn Đạo - Trưởng Phòng PC 13, Công an tỉnh Bắc Kạn ký. Thấy bị o ép, vùi dập và xúc phạm phi lý từ phía Công an tỉnh Bắc Kạn, ông Hạ Văn Phượng phảỉ cầu cứu các nơi.

Ảnh đầu bài: Quyết định tịch thu tang vật của Công an tỉnh Bắc Kạn (Còn nữa) Người Dân