Để có được một cái Tết đẹp, cả nước đã triển khai nhiều biện pháp phối hợp bài bản, thực hiện chu đáo, đồng bộ trong việc chăm lo cho nhân dân đón tết. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo Tết cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo. Chính vì thế, trong dịp Tết Bính Thân này, Chủ tịch nước đã có quyết định tặng quà cho người có công với 2 mức (400.000 đồng và 200.000 đồng/người). Chính phủ cũng xem xét, quyết định hỗ trợ gạo cho người dân một số tỉnh có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết (Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Trị, Lào Cai, Hà Nam, Yên Bái, Bình Định).
Các địa phương đều có kế hoạch giúp người nghèo, đối tượng chính sách thêm điều kiện vui đón Tết: Tại tỉnh Cà Mau, chính quyền đã dành hơn 34 tỷ đồng để tặng quà cho các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, hưu trí, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Đối với những đối tượng chính sách đã được TƯ tặng quà, tỉnh tặng thêm 200.000 đồng/người, những người không thuộc diện nhận quà của TƯ, tỉnh tặng 300.000 đồng/người. Người già cô đơn, trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ được tặng tiền ăn và một bộ quần áo trị giá 350.000 đồng. Hộ nghèo được tặng 400.000 đồng, hộ cận nghèo được tặng 350.000 đồng. Đón Tết Bính Thân, gia đình có công, đối tượng chính sách, xã hội ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã yên tâm với quyết định tặng quà trị giá tới 950.000 đồng của chính quyền thành phố. TP. Hà Nội cũng tặng quà cho hơn 800 nghìn người thuộc các đối tượng hưởng chính sách, cán bộ công nhân viên chức nghỉ hưu trí, mất sức lao động, người cao tuổi, hỗ trợ gia đình thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn với số tiền hơn 280 tỷ đồng….
Đáng quý hơn nữa là việc chăm lo cho người nghèo không còn là “trách nhiệm” riêng của Nhà nước hay các tổ chức từ thiện nữa. Nhiều địa phương, các tổ chức chính trị, nghề nghiệp... nói chung là toàn xã hội cũng đã chủ động chăm lo Tết cho gia đình chính sách, người có công và người nghèo. Thật cảm động là các hoạt động thiện nguyện trong nhân dân cũng đã góp sức tạo nên một cái tết ấm áp, với sự tự giác, tự nguyện đóng góp hưởng ứng phong trào vì biển đảo, giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, những người bất hạnh, đơn chiếc ở các trung tâm bảo trợ xã hội và những người nghèo ở các khu dân cư. Do vậy, có thể nói để lo được cái tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, cả nước đã có cuộc “động binh” quy mô lớn suốt 2 tháng qua. Kết quả đạt được đã không phụ công sức, tấm lòng đã lo toan.
Dù trong bối cảnh kinh tế-xã hội còn khó khăn, các cấp chính quyền, ban, ngành, tổ chức xã hội vẫn không quên chăm lo Tết cho người nghèo để không người dân nào không có Tết. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, tưởng như nhiều giá trị bị đảo lộn, tưởng như con người sống với nhau thờ ơ hơn, đối với nhau vô cảm hơn, song truyền thống tốt đẹp đậm chất nhân văn của dân tộc “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” lại được khơi dậy mỗi độ Tết đến, Xuân về.
Dương Sơn