Trước tình hình đó, các cấp chính quyền đã phối hợp với các dòng họ cùng tuyên truyền, vận động con cháu loại bỏ cây thuốc phiện. Mô hình “Dòng họ bình yên” đã mang lại hiệu quả thiết thực. Sau một thời gian, người dân đã nâng cao ý thức và tự giác không trồng cây thuốc phiện mà thay vào đó là trồng cây lương thực, phát triển kinh tế gia đình.
Từ nội dung ban đầu là tuyên truyền phá nhổ cây thuốc phiện, đến nay nội dung hoạt động của “Dòng họ bình yên” đã mở rộng sang cả bài trừ các hủ tục lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh thôn bản; phát triển kinh tế - xã hội; góp phần giữ vững, an ninh chính trị trên địa bàn.
Đến nay, huyện Tủa Chùa đã có 210 dòng họ ở khắp 12/12 xã, thị trấn xây dựng mô hình “Dòng họ bình yên”. Trưởng họ là người tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân trong bản, trong dòng họ; giáo dục, quản lý con cháu trong dòng họ và nhân dân trên địa bàn không nghe theo kẻ xấu, đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất; đồng thời tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh... Cách làm này đã phát huy được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân, tạo dựng mối đoàn kết trong từng dòng họ, giữa các dòng họ với nhau.
Tiêu biểu cho cách làm sáng tạo, thiết thực là dòng họ Vừ ở xã Trung Thu, họ Mùa ở xã Sín Chải, họ Hạng ở Tả Sìn Thàng, dòng họ Tông, Mào ở xã Mường Báng..., thành công trong việc gìn giữ an ninh chính trị, trật tự xã hội; dòng họ Lờ ở thôn Sín Sủ 2, xã Xá Nhè... với mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; dòng họ Vì với công tác khuyến khích con cháu phấn đấu học tập.
Theo ông Mùa Ngọc Tú-Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, nhờ có mô hình “Dòng họ bình yên”, huyện Tủa Chùa đã có những thay đổi rõ rệt về mọi mặt, đời sống người dân từng bước được nâng lên, tình hình an ninh - quốc phòng ổn định, góp phần mang lại bình yên cho huyện vùng cao phía bắc Điện Biên.
Võ Văn Dũng