Tháng 6-2007, ông tìm về ngôi nhà số 222, phố Lò Đúc (Hà Nội), được đồng đội giúp đỡ, ông gặp bà cụ trên 80 tuổi tóc bạc phơ, hỏi và giới thiệu đi tìm gia đình liệt sĩ Dũng ở số nhà 222. Cụ thốt lên:

  • Trời ơi! Dũng ơi! Con ơi! bạn đến này.
    Các anh xin phép thắp hương cho liệt sĩ. Vén bức rèm che, cả hai sững sờ, người trong ảnh đúng là Dũng nên nói lạc cả giọng:
  • Dũng ơi, bọn mình đến thăm đây.
    Ông Lộc nhớ lại:
  • Đại đội 2 chốt giữ ở 9 căn hầm dọc bờ sông Thạch Hãn bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Nguyễn Tiến Lộc ở hầm số 6 cùng 3 người khác là anh Thanh (quê Nghệ An), Dũng và Cường (còn gọi là Cường Đầm) đều ở Hà Nội. Sau đó anh được điều sang hầm khác. Địch tổ chức nhiều đợt phản công nhưng đều bị bẻ gẫy. Chúng điên cuồng dùng B52 ném bom, bắn pháo vào trận địa.
    Chiều ngày 13-9-1972, khi Vân đứng gác thấy rung chuyển, đất rơi rào rào đã hét lên:
  • Pháo khoan rồi!.
    Ngớt tiếng pháo, Lộc cùng Tiểu đội trưởng bò theo thông hào xem xét. Đến hầm số 6, thấy Cường mất một chân, máu đầm đìa. Hai người mau chóng sơ cứu đưa ra khỏi hầm. Cường đau đớn gọi mẹ, nhắc tên người yêu và ra đi. Mộ Cường được chôn ngay tại trận địa. Hầm số 6 cũng bị sập, anh Thanh và Dũng đã hy sinh. Tiểu đội trưởng chui vào gỡ, Lộc ở ngoài kéo ra. Dũng nằm ngoài, Thanh nằm trong - một cao, một thấp. Họ là đều là sinh viên K13 - Đại học Xây dựng tình nguyện nhập ngũ. Lộc và Tiểu đội trưởng chôn cất hai người chung một mộ, gần mộ Cường. Chiều ngày 16-9-1972, anh bắn B40 tiêu diệt lũ lính ngụy, thì bị cối 61 của địch bắn trả và chỉ nghe tiếng hét:
  • Lộc bị thương rồi. Ai đó kéo anh xuống hầm băng bó, tỉnh lại đã thấy ở Trạm quân y...
    Chị liệt sĩ Dũng tên là Thu nghẹn ngào:
  • Chị đã đến chỗ đó rồi. Đơn vị cậu rút đi, cụ già ở thôn Đầu Kênh đưa 3 mộ về chôn ở cạnh gốc dừa. Cụ ấy đã mất, không ai biết mộ quy tập về đâu?.
    Nghe vậy ông Lộc bảo:
  • Anh Thanh cao, Dũng nhà mình lùn, còn Cường thiếu một chân, nếu tìm thấy chỗ quy tập là được, không cần phải xét nghiệm ADN.
    Ông Lộc thầm hứa sẽ giúp sức đưa các anh về quê hương. Buổi sáng tháng 4-2015, nhận được tin tìm thấy địa chỉ của gia đình liệt sĩ Dương Thanh ở T.P Vinh (Nghệ An) và số điện thoại ông Lộc càng quyết tâm hơn. Ngày 19-7-2015, ông lên xe vào Quảng Trị, hẹn gặp thân nhân liệt sĩ Thanh ở cầu Thạch Hãn. Ông cũng gọi điện cho chị Sa, du kích xã Triệu Đại để kết nối cho chuyến đi và được cung cấp thêm số điện thoại của Chủ tịch CCB xã Triệu Thành và xã Triệu Long.
    Rạng sáng ngày 20-7-2015, mọi người vào Nghĩa trang liệt sĩ Triệu Thành thắp hương, nhưng khi về UBND xã xem danh sách bàn giao thì không có tên 3 liệt sĩ hy sinh tháng 9-1972. Cả đoàn lại về xã Triệu Long xem cũng không có, xuôi về xã Triệu Đông cũng không có hy vọng. Ông Lộc quyết định cùng Chủ tịch CCB xã Triệu Thành và Bí thư Chi bộ thôn ra trận địa cũ. Nhưng theo thời gian dòng sông Thạch Hãn đã biến đổi, cây dừa và giếng nước ngày xưa bị cuốn trôi. Ông Lộc tự trách mình không đi tìm sớm hơn. Buổi chiều, họ tìm đến gia đình Chủ tịch CCB xã Triệu Long đề nghị giúp đỡ. Khi nghe loáng thoáng cuộc điện thoại trao đổi biết có ngôi mộ 2 liệt sĩ đang an táng tại Nghĩa trang xã. Hy vọng bừng lên, mọi người ra Nghĩa trang và được chỉ ngôi mộ số 251 có 2 liệt sĩ chưa biết tên. Ở đây có hơn 300 mộ liệt sĩ thì quá nửa vô danh được xác định chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 101 - Sư đoàn 325 của ông hy sinh. Thắp hương xong, ông Lộc ra Quốc lộ 4, rồi rẽ vào lối mòn nhận ra chỗ chôn đồng đội năm xưa và bật khóc.
    Chuyến đi đạt kết quả ban đầu, thân nhân hai liệt sĩ rất cảm kích về sự giúp đỡ nhiệt tình của người chiến sĩ Thành cổ năm xưa. Họ làm thủ tục xác nhận, lấy mẫu phẩm đi giám định ADN để đón anh Thanh về T.P Vinh và anh Dũng về Hà Nội. Liệt sĩ Tạ Võ Cường đủ khẳng định nằm ở ngôi mộ số 250 theo sơ đồ khi quy tập.
    Thân Văn Phương