Nếu chủ nghĩa duy vật lịch sử được coi là một trong ba phát minh quan trọng nhất của chủ nghĩa Mác, thì những quan điểm về tôn giáo là một trong những biểu hiện rõ nét nhất lập trường duy vật lịch sử của học thuyết này. Nó thể hiện thông qua các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về cả bản chất, nguồn gốc lẫn chức năng của tôn giáo.

“Chân lý tôn giáo” là một ví dụ, trong khi các nhà duy tâm, thần học cho rằng tôn giáo có nguồn gốc siêu nhiên, thì Mác chỉ ra rằng: Chân lý tôn giáo được hình thành bởi những mẫu hình cụ thể. Điển hình như đạo Thiên Chúa giáo.

Trải qua quá trình “tu Đạo” từ lúc còn nhỏ tới khi trưởng thành, người Công giáo dù ở Việt Nam hay ở các nước khác, đã xây dựng đức tin, hy vọng và trông đợi vào một mẫu hình chân lý; thực hành theo các chuẩn mực của mẫu hình đó để bày tỏ niềm tin với Chúa, tạo thành một cộng đồng có ý thức đạo đức giống nhau theo nguyên tắc “Làm điều lành, tránh điều dữ”. Trong thực tế, đây chính là yếu tố góp phần tạo nên ổn định cộng đồng.

“Sợi dây” kết dính họ, chính là niềm tin quy tụ về Thiên chúa. Thiên Chúa hiện diện như một biểu tượng chuẩn mực của Chân lý tuyệt đối. Với người Công giáo, Chúa Jesus Kitô như một mẫu hình con người lý tưởng để giáo dân học hỏi. Một mẫu hình như vậy với các thiên tính và nhân tính vừa huyền thoại vừa đời thực kết tinh trong niềm tin Công giáo như một sự màu nhiệm, có tính linh thiêng cao cả, khiến nhiều tín đồ vừa ngưỡng mộ vừa vâng phục.

Mẫu hình Jesus là một mẫu hình có thật và như một chân lý tồn tại xuyên suốt chiều dài lịch sử tôn giáo. Nó trở thành biểu tượng bất tử và có sức sống mãnh liệt cho tới ngày hôm nay. Không chỉ tồn tại và hiện diện trong tâm trí tín đồ Công giáo với tư cách chân lý,  mà Chúa Jesus còn thể hiện một gương sáng để các môn đệ và tín đồ học hỏi một mẫu hình lý tưởng chi phối con người hành động noi theo.

Chính vì thế mà hàng trăm năm nay, trải qua bao biến động, người Công giáo  vẫn sống theo Đạo và thực hành đạo đức bác ái hằng ngày như lời Chúa dạy qua các bài học giáo lý và luân lý.

Có một thực tế, là ở các vùng Công giáo, đặc biệt là các làng, xã đa phần dân số theo đạo Công giáo hầu hết có đời sống xã hội khá ổn định, ít bị tác động bởi các tệ nạn xã hội. Theo báo cáo về phong trào Công giáo yêu nước giai đoạn 2014-2021 của Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam cho thấy, tại các xứ họ đạo, người Công giáo luôn tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi việc phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội là nhiệm vụ quan trọng. Cộng đồng giáo dân cùng nhau có trách nhiệm chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cùng nhau xây dựng và thực hiện tốt các nội quy, quy ước, hương ước nhằm thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở; vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân với xã hội, vừa làm trọn bổn phận của cộng đoàn giáo dân với Giáo hội.

Nhiều xứ họ đạo, khu dân cư đã đi sâu phát động xây dựng phong trào xứ họ đạo trở thành khu dân cư an toàn, làm chủ, không có tội phạm và các tệ nạn xã hội;  nhiều tổ hòa giải, tổ tự quản đã phát huy  trách nhiệm của mình với cộng đồng dân cư; có những cách làm sáng tạo được cộng đồng dân cư và các cơ quan, ban ngành giáo dục giúp, tạo điều kiện cho người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng…

Các nghiên cứu khảo sát xã hội học của Viện Nghiên cứu Tôn giáo cũng chỉ ra rằng tôn giáo góp phần ổn định xã hội, khiến con người sống thiện hơn, biết sống vì người khác và góp phần vào việc đoàn kết cộng đồng xã hội. Điều đó cho thấy, tôn giáo nói chung, người Công giáo Việt Nam nói riêng luôn luôn chứng tỏ có nhiều mặt năng động tích cực trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Thích ứng nhanh nhạy kịp thời với cơ chế thị trường, tìm tòi học hỏi để nắm bắt chủ trương chính sách kinh tế - xã hội, vươn lên trong điều kiện thực tế cuộc sống, tự giác thực hiện các nghĩa vụ của người công dân đối với nhà nước.

Lý giải mối quan hệ giữa yếu tố tôn giáo trong Công giáo với việc tạo ra ổn định cộng đồng dân cư cần phải nói đến các tổ chức cơ sở của Giáo hội, như “xứ đạo”, “họ đạo” - với một tập hợp các giáo dân được liên kết với nhau bởi cùng một lối sống đạo, một nghi lễ thực hành, cùng được hướng dẫn sinh hoạt và định hướng niềm tin bởi một linh mục quản xứ. Điều đó tạo ra một cộng đồng cấu kết bền chặt,   đóng góp tích cực vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.  

Tuy nhiên, tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng cũng còn những hạn chế, là xuất phát từ nhận thức và bị các thế lực thù địch lợi dụng, nhưng sẽ được từng bước khắc phục, như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chỉ ra: “Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan”.

TS. Nguyễn Đông Thức