Thiếu tướng Christopher Donahue - Tư lệnh Sư đoàn Không vận số 82 kiêm chỉ huy lực lượng trên bộ, là người cuối cùng lên chuyến bay cuối cùng của Mỹ rời Afghanistan.

Chấm dứt chiến tranh là mong muốn của bất kỳ người dân hay chính phủ nào. Thế nhưng, một cuộc chiến kết thúc chỉ vì một bên không muốn kéo dài nó dù chưa đạt được mục tiêu của mình, để lại sau lưng một “mớ bòng bong” hỗn loạn như thời chưa can dự thì quả là vòng luẩn quẩn của chiến tranh đã lặp lại.

Cuộc chiến dài nhất lịch sử nước Mỹ ở Afghanistan đã tạm khép lại vào rạng sáng 31-8 (giờ Việt Nam) khi chiếc máy bay C-17 sơ tán công dân Mỹ cuối cùng rời một sân bay gần Kabul. 20 năm trước,Tổng thống Mỹ khi đó là George Bush đãphát động cuộc chiến này sau vụ khủng bố 11-9-2001 thảm khốc nhất lịch sử Mỹ. Qua 4 đời Tổng thống, cuộc chiến khiến nước Mỹ tổn thất hơn 2.000 tỷ USD, cướp đi sinh mạng của gần 2.500 binh sĩ Mỹ, hơn 1.000 binh sĩ các nước đồng minh phương Tây cùng hàng chục nghìn quân nhân và dân thường Afghanistan. Cái giá phải trả không hề nhỏ.

Liệu nước Mỹ đã đạt được những gì với cái giá đã trả trên? Câu trả lời là không có gì ngoài những tổn thất và cả hệ lụy khôn lường với chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Chỉ vài tiếng sau khi chuyến bay sơ tán cuối cùng của Mỹ rời Kabul, người phát ngôn của lực lượng Taliban - Zabihullah Mujahid gọi việc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan là "thắng lợi" cho toàn bộ người dân của quốc gia này. Người phát ngôn này nhấn mạnh Taliban hoan nghênh mọi mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với tất cả các quốc gia trên thế giới. Cũng vào khoảng thời gian đó, hãng tin Tass (Nga) dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken nói rằng Mỹ không tin tưởng Taliban, nhưng sẵn sàng hợp tác với phong trào này và Chính phủ mới của Afghanistan nếu nhận thấy điều đó phù hợp với những lợi ích quốc gia của Washington.

Ngoại trưởng Mỹ rõ ràng đã rào trước, đón sau trong phát biểu của mình, cũng là để cố lấy lại thể diện cho chính quyền của ông Biden. Nói vậy, bởi lý do chính mà Mỹ đưa quân vào Afghanistan là để diệt trừ khủng bố, nhưng khủng bố vẫn còn đó. Nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo Khorasan” (ISIS-K), nhánh của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, đã tiến hành các vụ tấn công đẫm máu ngày 26-8 bên ngoài sân bay Kabul vào lúc Mỹ cùng các nước đang nỗ lực sơ tán công dân. Vụ tấn công khiến 13 binh sĩ Mỹ và hàng trăm dân thường Afghanistan thiệt mạng đã làm gia tăng sức ép trong nước đối với Tổng thống Biden. Liên tiếp các ngày sau đó, Mỹ thông báo các đợt không kích bằng máy bay không người lái để ngăn chặn những kẻ cực đoan âm mưu đánh bom liều chết, hoặc nã rocket vào sân bay ở Kabul. Trong cuộc họp trực tuyến ngày 30-8, Liên minh các quốc gia chống IS bao gồm có Mỹ đã ra thông cáo cam kết hợp tác xóa sổ IS, trong đó đặc biệt nhắm đến chi nhánh của IS tại Afghanistan.

Ngay cả khi Ngoại trưởng Blinken nói đến khả năng hợp tác với chính quyền Taliban lực lượng sẽ lên nắm chính quyền tại Afghanistan, thì chính trong Taliban cũng có không ít thành viên bị Mỹ và phương Tây liệt kê vào nhóm có quan hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda. Có thể kể đến phó chỉ huy Taliban là Sirajuddi Haqqani, lãnh đạo của mạng lưới Haqqani, một nhóm có liên kết với Taliban và Al Qaeda bị chính quyền Mỹ coi là tổ chức khủng bố. Chính quyền Mỹ từng treo thưởng 5 triệu USD vào năm 2009 và tăng lên thành 10 triệu USD vào năm 2014 nhằm bắt giữ nhân vật này.

Rõ ràng, vòng luẩn quẩn của cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Afghanistan đã lặp lại. Hơn thế, chính quyền Mỹ và bản thân Tổng thống Joe Biden cũng phải hứng chịu chỉ trích từ mọi phía, kể cả những người trong chính hàng ngũ đảng Dân chủ cầm quyền. Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa còn kêu gọi ông Biden từ chức và đề nghị tiến hành thủ tục luận tội Tổng thống…

Cuộc chiến 20 năm của Mỹ ở Afghanistan rõ ràng có cái kết chẳng như bên nào mong muốn, trừ Taliban.Afghanistan tiếp tục phải đối mặt với những nguy cơ bất ổn về an ninh, bạo lực xung đột, thậm chí là khủng bố, cùng tương lai khó đoán định khi Taliban sẵn sàng xoá bỏ những cam kết trong thoả thuận với Mỹ tại Doha, Qatar năm 2020. Vòng luẩn quẩn đã lặp lại, nếu Afghanistan lại trở thành miền đất hứa để khủng bố ẩn nấp, liệu Mỹ có sẵn sàng cho một cuộc chiến mới?

Thanh Huyền