Đến tháng 6-2023, dân số của Việt Nam đã đạt mốc 100 triệu người, trong khi GDP là 409 tỷ USD (năm 2022), đứng thứ 37 trên thế giới. Như vậy, so với nguồn nhân lực, sức mạnh kinh tế của nước ta còn rất thấp. Điều này cho thấy, tiềm năng của nguồn nhân lực còn rất dồi dào và vẫn chưa được khai thác đầy đủ.

Vai trò của nhân lực càng quan trọng hơn để thúc đẩy phát triển, khi Việt Nam đang có dân số vàng đạt tới 51/100 triệu người đang trong độ tuổi lao động; 50,6 triệu người đang làm việc (năm 2021). Người trong độ tuổi lao động đang làm việc như vậy cũng là rất cao. Đây chính là một trong những điều kiện quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của đất nước.

Tuy nhiên, vấn đề của nước ta là thời kỳ dân số vàng sẽ kết thúc vào năm 2039 - nghĩa là chỉ còn 17 năm dân số vàng (theo thống kê chung thì kết thúc thế là khá sớm). Với khoảng thời gian này, chúng ta phải có những giải pháp chính sách mạnh mẽ nhất để phát huy tối đa nguồn nhân lực của mình. Quan trọng là phải vượt qua nghịch cảnh “chưa giàu đã già”. Chúng ta phải phát huy tối đa tiềm năng của dân số vàng trong việc chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết về kinh tế, kỹ thuật và xã hội để sự già hóa dân số không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống thịnh vượng và an vui của người Việt. Quản trị nhân lực quốc gia - cả nhân lực công lẫn nhân lực tư, là để thực hiện cho được mục tiêu này.

Về nhân lực công, hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách là trên dưới 11 triệu người, trong đó có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức (số liệu năm 2021: công chức 247.344 người; viên chức 1.783.174 người; cán bộ, công chức cấp xã, thôn, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã thôn 1.031.851 người).

Những số liệu trên cho thấy mấy điều sau:

Thứ nhất, nếu coi nhân lực công là tất cả những người ăn lương ngân sách, thì Việt Nam có tỷ lệ nhân lực công về cơ bản là tương đương với các nước phát triển, cụ thể 11.000.000/51.000.000 bằng khoảng 21,5%. So với các nước đang chuyển đổi, tỷ lệ nhân lực thuộc lĩnh vực công của nước ta thấp hơn rất nhiều. Theo số liệu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), nhân lực công ở các nước phát triển thường chiếm 22%; ở các nước chuyển đổi - khoảng 40%; ở các nước đang phát triển khoảng từ 8-30%. Thứ hai, số lượng người hưởng lương hoặc mang tính chất lương từ ngân sách là 11 triệu người, nhưng số người thực sự cấu thành nguồn nhân lực công dân sự thấp hơn rất nhiều, chỉ chiếm khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức, bằng 25%. Thứ ba, các công chức chỉ chiếm một tỷ lệ gần 9%, (chưa tính đến lực lượng công an và quân đội) - như thế là thấp.  

Ở nước ta, những người làm việc cho các doanh nghiệp Nhà nước khoảng 1,71 triệu lao động, chiếm 20,7% số lao động trong các doanh nghiệp, có lẽ cũng có thể được xem là một nguồn của nhân lực công. Tuy nhiên, những người này không ăn lương từ ngân sách và có quy chế pháp lý khác với công chức và viên chức.    

Những số liệu trên cho thấy, về cơ bản nhân lực công chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng nguồn nhân lực của đất nước, còn lại là nhân lực tư. Với sự phân bổ như vậy, nhân lực tư đang là nguồn nhân lực chính của đất nước và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia. Chỉ khi 4/5 nguồn nhân lực này được phát huy, đất nước ta mới có thể thịnh vượng và hùng cường.

Nếu trong tương lai có sự chuyển dịch từ nhân lực công sang nhân lực tư thì tổng nguồn nhân lực của đất nước vẫn không thay đổi. Xét từ một góc độ nào đó, sự chuyển dịch này là một hiện tượng tích cực, vì người ta chỉ rời bỏ lĩnh vực công khi có thể được phát huy tốt hơn ở lĩnh vực tư.

Thực ra, trong quá trình cải cách, lĩnh vực tư đã từng bước được hình thành và ngày càng lớn mạnh, nên nhu cầu thu hút nhân lực chất lượng cao cũng ngày càng tăng, tạo ra cạnh tranh, nhưng đây là cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội cho người tài được trọng dụng hơn. Mà như vậy thì nhân lực cũng được sử dụng hiệu quả hơn. Đồng thời bắt buộc cả lĩnh vực công, lẫn lĩnh vực tư đều phải quản trị nhân lực tốt hơn, chăm lo cho nhân lực nhiều hơn. Nghĩa là cả công và tư đều được hưởng lợi từ  nguồn nhân lực.

Ngoài ra, sự luân chuyển hợp lý nhân lực giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư nhiều khi cũng rất hữu ích, vì mỗi lĩnh vực đều có những điểm mạnh nhất định. Do đó luân chuyển nhân lực chính là “luân chuyển những điểm mạnh” cho nhau.

Nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất của đất nước. Để thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của đất nước cần phát huy đầy đủ tất cả mọi nguồn lực mà chúng ta đang có.

Các nguồn lực khác của đất nước như địa chính trị, đất đai, tài nguyên thiên nhiên… đều rất quan trọng, nhưng quyết định sẽ là và mãi mãi là nguồn nhân lực.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng