Tám tháng trôi qua, các con số thống kê cho thấy tình hình kinh tế nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, kinh tế vĩ mô ổn định...

Nhưng phía sau sự ổn định đó, nhìn dài hạn, lại thấy những khó khăn, thách thức không nhỏ, tiêm ẩn rủi ro, như tăng trưởng kinh tế đang suy giảm, cả cung và cầu, nhất là sản xuất công nghiệp và xuất khẩu suy giảm kéo dài chưa từng thấy…

Lĩnh vực dịch vụ tuy có tăng trưởng khá so với trước và là động lực tăng trưởng chủ yếu trong những tháng qua, nhưng xu hướng tăng đang giảm dần. Đầu tư FDI, tư nhân trong nước có xu hướng giảm mạnh. Ví dụ năm 2013 so với năm 2019 là 10 và 13%, thì năm 2020 so với năm 2023 chỉ là1,4 và 3%.  

Tăng trưởng tín dụng cũng giảm bất thường, dù Ngân hàng nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế đều suy giảm. Đầu ra không có, hàng hóa tồn kho, đơn hàng mới sụt giảm, thậm chí không có đơn hàng, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất nên dù lãi suất có hạ cũng không có nhu cầu vay; đồng thời với tiết kiệm chi tiêu, tiêu dùng giảm...  

Rất đáng lo ngại là số doanh nghiệp trong gần như tất cả các ngành của nền kinh tế rời khỏi thị trường lên tới hơn 100.000 doanh nghiệp. Đây là con số cao kỷ lục; trong khi tỷ lệ doanh nghiệp có lãi giảm, còn doanh nghiệp báo lỗ lại gia tăng. Đây là hiện tượng bất thường của khu vực doanh nghiệp và chưa từng xảy ra trong hơn 20 năm qua.  

Lo ngại hơn là các cơ quan điều hành đang có phần chủ quan với các con số thống kê và không đánh giá hết khó khăn, cũng như những tác động bất lợi đối với nền kinh tế. Đã vậy lại thiếu sự phối hợp và không đồng bộ. Đúng như lời thốt lên trong một phiên họp “chuyên gia tư vấn” gần đây của ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Trong khi Chính phủ thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ngành Ngân hàng liên tục giảm lãi suất để giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng các ngành khác lại ban hành những quy định làm chi phí của doanh nghiệp tăng thêm”.

Có thể nói, Chính phủ rất sốt ruột trước tình hình kinh tế và khó khăn của doanh nghiệp, nên chỉ trong 7 tháng đầu năm 2023 đã ban hành tới 50 nghị định, 130 nghị quyết, 19 quyết định quy phạm pháp luật, 945 quyết định cá biệt và 23 chỉ thị của Thủ tướng, đều nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

Nhưng đáng buồn là trong khi Chính phủ nỗ lực chỉ đạo tháo bỏ rào cản, giảm chi phí và tạo an toàn hơn trong đầu tư kinh doanh thì các Bộ, ngành lại tạo thêm ra các quy định làm tăng thêm chi phí cho sản xuất kinh doanh, khiến cho tình hình đã khó lại càng khó thêm. Điển hình như quy định về phòng cháy chữa cháy; điều kiện kinh doanh xăng dầu; giấy phép môi trường; quy định về chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, về an ninh trật tự, kinh doanh vận tải, du lịch... Đó là chưa nói, trong khi doanh nghiệp rất khó khăn cả đầu ra lẫn đầu vào, thiếu vốn, thanh khoản kém, nhưng hàng tỷ đồng tiền hoàn thuế nhiều năm lại vẫn chưa được hoàn. Hay như thị trường bất động sản đóng băng, Chính phủ và Thủ tướng đã họp nhiều lần để tháo gỡ... nhưng đến nay khó vẫn khó!

Vì sao? Vì thủ tục hành chính của ta còn rất nặng nề và là rào cản làm nản lòng các doanh nghiệp; nhà đầu tư. Ví dụ như “Với dự án bất động sản riêng làm thủ tục phải qua 5 bước đụng chạm tới hàng chục luật. Còn triển khai dự án phải thêm 30 bước nữa...” - ông Đỗ Viết Chiến - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) than phiền.  

Rõ ràng, tình hình thế giới bên ngoài không thuận đã và còn tiếp tục gây bất lợi cho nền kinh tế, thì bên trong lại thêm rào cản, khiến đã khó lại càng khó thêm. Đây là một thực tế, đòi hỏi phải được đảo ngược một cách mạnh mẽ, càng sớm càng tốt - nghĩa là bên ngoài (yếu tố khách quan) đã không thuận, thì bên trong (yếu tố chủ quan) phải rất thông thoáng, thì nền kinh tế của chúng ta mới vượt qua được để phát triển.

Kinh nghiệm thế giới và thực tiễn Việt Nam mấy chục năm qua cho thấy càng trong lúc khó khăn càng phải đẩy mạnh cải cách. Nhưng đáng tiếc, mấy năm nay nền kinh tế liên tục rơi vào khó khăn, mà cải cách thì lại đang chững lại. Kể cả những tháng gần đây, dù “Chính phủ quyết liệt” nhưng “các ngành, các cấp” vẫn bùng nhùng như gà mắc tóc!

Để đạt được mục tiêu nhiệm kỳ của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, đặt nền móng cho thực hiện “Khát vọng dân giàu nước mạnh” thì ngay bây giờ tất yếu nước ta phải có lực lượng doanh nghiệp hùng mạnh để phục hồi kinh tế, tạo dựng những động lực tăng trưởng mới, bù đắp sự suy giảm liên tục của các động lực tăng trưởng tuyền thống và cũng là để chống chọi với những yếu tố bất lợi từ bên ngoài, thì mới đột phá, thúc đẩy đổi mới, cải cách mạnh mẽ được. Đó là lý thuyết, nhưng cũng là thực tiễn. Chậm ngày nào, “khát vọng” sẽ xa ra ngày đó và rủi ro không đạt mục tiêu tăng lên.

Cải cách không thể chần chừ.

TS.Nguyễn Đình Cung (*)

(*) Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư.