Tháng đầu tiên của năm 2023 đã qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoai đúng như dự đoán, thì kinh tế Việt Nam không những vẫn vững vàng mà còn vượt lên và đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao - kinh tế vĩ mô ổn định, tạo niềm tin, sự lạc quan về một năm mới - năm 2023, kinh tế nước ta tiếp tục khởi sắc.

Vì sao? Các chuyên gia tư vấn chính sách cho Chính phủ đã phân tích trên cơ sở những dữ liệu chính của nền kinh tế: Tháng 1-2023, cả nước có 10,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 0,7% so với tháng trước; 15,1 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 146,8%. Như vậy tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp hoạt động trở lại đã lên tới 25,9 nghìn doanh nghiệp. Tổng thu ngân sách nhà nước 15 ngày đầu tháng 1 ước đạt 42,7 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 25,08 tỷ USD; nhập khẩu 21,48 tỷ USD… Trong khi tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tính đến ngày 20-1 bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư chỉ đạt 1,69 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước (giảm chung trên thế giới).  

Với những kết quả đã đạt của nền kinh tế, TS. Trần Toàn Thắng - Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 6-6,2% (mức thấp) hoặc khả quan hơn tăng ở mức 6,5-6,7% (mức cao) trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2023 đi theo kịch bản nào còn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát lạm phát; ổn định vĩ mô và những nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và diễn biến xung đột ở Nga - Ukraine.  

Để kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng tuy khó khăn thách thức là rất nhiều, nhưng cơ hội cũng có. Cơ hội đầu tiên, là kinh tế Việt Nam đã được thử thách, cho thấy có khả năng chống chịu trước những bất ổn của kinh tế thế giới; hai là, có “điểm tựa” từ những phục hồi khá mạnh mẽ của nền kinh tế trong năm 2022 để tiếp tục quá trình phục hồi trong năm 2023 và cả giai đoạn theo kế hoạch 2021-2025; năm 2023 còn được tiếp tục hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023 - hợp phần đầu tư của chương trình hỗ trợ, lên đến khoảng 1,6% GDP.

Cơ hội còn đến từ sự phục hồi của thị trường lao động cùng với các chính sách hỗ trợ an sinh, hỗ trợ người lao động; năm 2023 cũng  là năm tổng cầu nội địa tăng và dự báo sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cùng với sự phục hồi của các hoạt động kinh tế, thu nhập, nhất là từ nhu cầu du lịch trong nước; cơ hội từ tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do, giúp xuất khẩu gia tăng, lại giảm thuế quan và biện pháp phi thương mại sẽ giúp GDP của Việt Nam dự kiến đến năm 2030 có thể tăng thêm 0,38%. Một lợi thế khác nữa là, Việt Nam nằm trong số những quốc gia được hưởng lợi nhất về xuất khẩu trong số các quốc gia tham gia RCEP, với mức tăng 3,75%.  

Tuy nhiên, TS. Trần Toàn Thắng cũng cho rằng, để tận dụng được những cơ hội trên đòi hỏi Chính phủ phải “gỡ” ngay các nút thắt nội tại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Và phải dùng các biện pháp mạnh mẽ hơn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời tăng cường các biện pháp an sinh xã hội.

Ông nhấn mạnh: “Các giải pháp an sinh xã hội tốt sẽ có tác dụng như là một liều vắc-xin, hạn chế những tác động tiêu cực từ bên ngoài có thể xảy ra trong năm 2023”.

TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư bổ sung thêm: “Động lực tăng trưởng của Việt Nam còn phải dựa vào thị trường nội địa, vào doanh nghiệp Việt, vào đầu tư công và cải cách mạnh mẽ”. Ông cho rằng tuy năm 2023 là năm sẽ rất khó khăn cho hoạch định chính sách và điều hành, nhưng Việt Nam vẫn phải kiên định tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế... Cách thức điều hành kinh tế vĩ mô phải thay đổi theo hướng linh hoạt hơn; môi trường kinh doanh cần được cải thiện mạnh hơn. Đẩy mạnh cải cách thể chế cả về quy mô và tốc độ tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi đối với đầu tư kinh doanh là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết”.

TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “Tóm lại, trong tình hình hiện nay động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn phải dựa vào thị trường nội địa và doanh nghiệp Việt”.

Trí Nhân