Hơn 9.000 cán bộ, nhân viên Ngành Y tế rời bỏ các bệnh viện công để chuyển sang khu vực y tế tư nhân. Ở T.P Hồ Chí Minh, 7 năm gần đây, mỗi năm có hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc. Ở tỉnh Đồng Nai, chỉ tính từ năm 2020 trở lại đây, Ngành Giáo dục có hơn 1.200 giáo viên, Ngành Y tế có gần 1.000 viên chức xin nghỉ việc...
Những con số trên khiến nhiều người lo ngại về một cuộc “chảy máu” nhân sự từ khu vực công sang khu vực tư, liệu điều đó có ảnh hưởng đến bộ máy hành chính nhà nước, một trụ cột của nền kinh tế, nhân tố đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển bền vững hiện nay?
Câu chuyện trên khiến tôi nhớ lại chuyện từ hơn 10 năm trước, Chủ tịch nước lúc đó là đồng chí Nguyễn Minh Triết trả lời báo chí về hiện tượng nhiều du học sinh học xong không về nước làm việc, khiến dư luận cộm lên câu hỏi về sự “chảy máu” chất xám. Đồng chí Nguyễn Minh Triết cho rằng: Thời kỳ hội nhập, du học sinh có toàn quyền quyết định mình sẽ làm việc ở đâu (tất nhiên, trừ những du học sinh đi học bằng ngân sách nhà nước, đã có cam kết trở về nước làm việc). Ông cũng nêu quan điểm, không phải cứ về nước tìm việc làm mới là yêu nước, ở nước ngoài làm việc mà vẫn hướng về quê hương, sẵn lòng đóng góp xây dựng quê hương tùy theo điều kiện của mình là được. Ngoài ra, ông cũng khuyến khích các bạn trẻ làm việc ở nước ngoài, tích lũy kinh nghiệm ở những lĩnh vực mà nước nhà còn yếu để sau này trở về cống hiến, xây dựng đất nước.
Câu chuyện trên cho thấy tư duy, tầm nhìn đổi mới của các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Theo tư duy ấy, chuyện lao động trong nước chuyển dịch từ khu vực công sang khu vực tư là chuyện rất bình thường. Không phải hiện nay, việc chuyển dịch này mới diễn ra. Từ 10 năm trước, tôi từng viết bài “Nhân tài thích “chiếu hẹp”; đề cập các bác sĩ có y thuật cao chuyển từ bệnh viên công sang bệnh viện tư, hoặc tự mình đứng ra mở phòng khám. Quan điểm của tôi: Đó là chuyện bình thường của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nó tốt cho cả khu vực công và khu vực tư.
Vì sao lại như vậy? Trước hết, nó góp phần phá vỡ tư duy “người nhà nước’, “vào biên chế” trong người lao động. Hiện nay, tư duy này vẫn còn rất nặng nề. Rất nhiều ông bố, bà mẹ khi định hướng nghề nghiệp cho con, vẫn mong con học trường nào đó để có thể trở thành “người nhà nước” thì mới yên tâm. Thậm chí, cho đến nay, vẫn còn rất nhiều người sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng để lo cho con “vào biên chế”; trong khi phải 5-10 năm tiền lương công chức, viên chức mới tích đủ số tiền đó. Đặc biệt, trong các ngành nghề như tài chính, ngân hàng... còn có hiện tượng “cha truyền, con nối”, tức là bố mẹ nghỉ hưu thì xin cho con được vào làm trong cơ quan, coi như một sự thế chỗ. Khi mà tiền công trong khu vực kinh tế tư nhân trả cho người lao động ngày càng tốt hơn, những tư duy về “người nhà nước” sẽ lạc hậu, lỗi thời; từ đó góp phần thay đổi nhận thức xã hội về nghề nghiệp. Đây là điều rất cần trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN hôm nay.
Khi dòng lao động có xu hướng chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, nó sẽ khiến cho những người làm chính sách phải xem lại chế độ đãi ngộ cho công chức, viên chức. Ở nước ta, tình trạng đồng lương “ba cọc, ba đồng” trong khu vực công vẫn tồn tại, nó dẫn tới công nhân, viên chức phải “chân trong, chân ngoài”, lo kinh doanh, làm thêm để có thêm thu nhập; thậm chí là tìm mọi cách nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân để vòi vĩnh tiền bạc đút lót. Khi có nhiều công chức, viên chức xin thôi việc, điều đó sẽ thúc ép công cuộc cải cách tiền lương trong khu vực công và từ đó làm động lực cho việc cải cách hành chính đi vào thực chất. Khi đó, hành chính công sẽ trở lại đúng nghĩa là bộ máy công cụ phục vụ nhân dân còn công chức, viên chức có mức lương đủ sống, họ sẽ yên tâm lo phục vụ người dân và doanh nghiệp mà không phải lo chuyện “cơm áo, gạo tiền” nữa.
Công chức, viên chức chuyển sang khu vực tư nhân cũng là dấu hiệu chuyển động, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường lao động. Điều đó sẽ càng khuyến khích nền kinh tế thị trường phát triển thực chất, bền vững hơn.
Ở các nước tư bản phát triển, khi công chức, viên chức chuyển sang khu vực tư nhân, điều mà nhà nước lo ngại nhất là sự tác động không lành mạnh của các cựu quan chức, cựu viên chức đến nền kinh tế. Bởi các quan chức bao giờ cũng có vai vế trong xã hội, khi họ chuyển sang khu vực tư, họ sẽ sử dụng các mối quan hệ đã có từ thời làm công chức, viên chức để tác động vào bộ máy hành chính và những người soạn thảo chính sách, nhằm mang lại “lợi ích nhóm” cho doanh nghiệp họ làm việc. Điều đó khiến cho chính sách công bị thiên lệch, bộ máy hành chính dễ bị mua chuộc, lôi kéo.
Nhưng ở Việt Nam ta, những tác động tiêu cực như thế chưa nhiều. Pháp luật (Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng...) cũng có chế tài quy định cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi việc không được tham gia kinh doanh trong lĩnh vực họ có trách nhiệm quản lý.
Vì thế, nhìn chung, sự chuyển dịch một bộ phận lao động từ khu vực công sang khu vực tư hiện nay, mang tín hiệu tích cực nhiều hơn là tiêu cực.
Lộc Thượng