Người viết bài này từng có thời gian công tác tại Thanh tra Nhà nước (nay gọi là Thanh tra Chính phủ) những năm Tổng Thanh tra là ông Tạ Hữu Thanh và từng đi công tác trong đoàn với ông ở các tỉnh Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh và một số địa phương khác.
Cũng nhờ vậy, biết được, ông chính là người đặt ra 4 chữ “vàng” ấy là: “Hiệu lực, hiệu quả” của công tác thanh tra; dần dần, quan điểm của ông được luật hóa. Tổ chức của Thanh tra Chính phủ mới có thêm vụ Giám sát sau thanh tra (nay nhiệm vụ này thuộc Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra).
Sở dĩ ông đặt ra yêu cầu này vì nếu ban hành Kết luận thanh tra, mà các kiến nghị của văn bản Kết luận không được thực hiện thì công tác thanh tra không khác gì “đá ném ao bèo”.
Hiện nay, công tác Giám sát Thanh tra (GSĐT) và xử lý sau thanh tra (XLTT) ngày càng trở nên quan trọng. Điều này đã được khẳng định tại Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII với nội dung: “Nâng cao hiệu quả công tác giám sát thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển”.
Hoạt động GSTT và XLSTT cần thiết đối với mọi hoạt động thanh tra theo Luật, từ hoạt động thanh tra nhà nước đến thanh tra chuyên đề, Thanh tra chuyên ngành, chứ không phải riêng của Thanh tra Chính phủ, Bộ, ngành hoặc Thanh tra các địa phương.
Cũng xin lưu ý: Hiện nay chưa có văn bản giải thích thuật ngữ thanh tra ra sao, tuy nhiên có thể hiểu thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước, là việc xem xét, đánh giá, xử lý của cơ quan nhà nước đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Không có hoạt động thanh tra thì quản lý nhà nước chưa đầy đủ. Hay nói cách khác quản lý nửa vời.
Đáng tiếc đó lại là thực tế phản ánh sự “yếu kém” của quản lý nhà nước hiện nay. Công tác thanh tra thị trường vàng vừa rồi mới được triển khai là quá chậm trễ. Công tác Thanh tra việc quản lý nhà nước đối với chung cư mi ni ở các đô thị phải nói là không có “hiệu lực, hiệu quả”. Có thể thấy điều này qua vụ cháy chung cư mi ni ở số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) năm 2023 và cháy nhà trọ tại số 1, ngõ 43/98/31 Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) mới đây. Cả hai vụ hỏa hoạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tổng số người chết hai vụ lên đến 70 người, bị thương nhiều người khác. Thời gian giữa hai vụ cháy chưa đầy 1 năm.
Nhắc lại, sau vụ cháy ở Khương Hạ, Thủ tướng ban hành ngay Công điện 991/CĐ-TTg ngày 22-10-2023 về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ. Công điện nêu rõ: Ở một số tỉnh, thành phố, tại khu vực đô thị, các khu dân cư gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế… việc quản lý của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả và giao cho Thanh tra Bộ Xây dựng và UBND T.P Hà Nội Thanh tra tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ không tuân thủ quy định của pháp luật, xây dựng không theo quy hoạch, không phép, sai phép vẫn xảy ra.
Nhưng, sau vụ cháy nhà trọ phố Trung Kính (Hà Nội), mơi thấy việc thực hiện Công điện của Thủ tướng chưa nghiêm, nếu như không muốn nói là chưa thực hiện triệt để. Vì, theo Công điện của UBND T.P Hà Nội, không chỉ quận Cầu Giấy thành lập 33 tổ công tác để thực hiện ngay tổng rà soát, kiểm tra 100% việc khắc phục các giải pháp trước mắt đối với nhà trọ trên địa bàn quận mà quận, mà còn các huyện, thị xã trong toàn thành phố phải chủ động thành lập các tổ công tác để tổ chức rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 15-6-2024.
Tức là có thể hiểu một cuộc “ra quân” tổng kiểm tra không hề nhỏ trên địa bàn T.P Hà Nội. Không phải “quan ngại”, điều có thể dự đoán trước là sẽ có nhiều vấn đề được phát hiện, chấn chỉnh; nhiều chủ nhà trọ bị xử phạt về việc chấp hành pháp luật PCCC. Tuy nhiên, có hai việc lớn phải băn khoăn. Thứ nhất là, hiệu lực hiệu quả lớn nhất của công tác thanh tra không phải là “xử phạt” mà chính là chấn chỉnh công tác quản lý, bổ sung, sửa đổi các công cụ quản lý (văn bản pháp luật, thể chế luật pháp). Thứ hai là, thanh tra phải là hoạt động thường xuyên, chứ không phải xảy ra cháy mới thanh tra.
Chính vì thế, tại Công điện Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “Rà soát lại các quy định của pháp luật và điều kiện về phòng cháy, chữa cháy liên quan đến việc kinh doanh, cho thuê trọ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-7-2024”.
Sinh thời, ông Tổng Thanh tra Tạ Hữu Thanh từng nhắc nhở đội ngũ Thanh tra viên của Thanh tra Chính phủ, thanh tra là phương tiện phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm nảy sinh trong quản lý nhà nước. Kết quả hoạt động thanh tra có tác dụng giáo dục và phòng ngừa vi phạm pháp luật ở đối tượng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, tác dụng này chỉ đạt hiệu quả khi các Kết luận thanh tra được đưa ra trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan, đúng pháp luật, hợp lý và được đảm bảo thực hiện nghiêm túc.
Để làm được điều này, không chỉ Kết luận thanh tra phải đúng tầm, mà còn đặt ra việc phải nghiêm túc thực hiện các kết luận Thanh tra của đơn vị và kết luận thanh tra của cấp trên. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, quyết định và kiến nghị xử lý về thanh tra.
Thanh tra thị trường vàng và thanh tra quản lý chung cư mi ni, nhà trọ càng cho thấy “hiệu lực, hiệu quả” là “cốt lõi” của công tác thanh tra.
Ngô Đức Hành