Ngân hàng này (chi nhánh tại Nga) vừa bị tòa án Nga ra lệnh tịch thu tài sản.

Sau khi Nga chính thức mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (tháng 2-2022), Mỹ và các đồng minh đã cấm các giao dịch với Ngân hàng T.Ư và Bộ Tài chính Nga, đồng thời phong tỏa số tiền khoảng 300 tỷ USD của Nga ở phương Tây (trong đó ở Mỹ là 5 tỷ USD, số còn lại ở châu Âu). Mỹ đã nhiều lần kêu gọi tịch thu khối tài sản này để tài trợ cho Ukraine, tuy nhiên, ngoài những thủ tục pháp lý hết sức phức tạp, nhiều nước châu Âu lo ngại hành động này sẽ gây tổn hại cho chính họ. Đặc biệt, Đức lo ngại nỗ lực tịch thu tài sản đóng băng như vậy có thể tạo ra tiền lệ, thúc đẩy các nước yêu cầu Berlin bồi thường những tổn thất mà họ gây ra trong Thế chiến thứ hai.

Sau những tranh luận, tính toán, mới đây, Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã ký thông qua đạo luật cho phép chính quyền nước này tịch thu tài sản của Nga ở Mỹ, hỗ trợ cho Ukraine. Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí về mặt nguyên tắc không tịch thu toàn bộ mà chỉ sử dụng khoản lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga (khoảng  2-3 tỷ euro mỗi năm) để chuyển cho Ukraine.

Ngay lập tức, phía Nga đã phản ứng dữ dội. Giới chức Nga - từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova, người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov, Chủ tịch Hạ viện Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Thượng viện Valentina Matviyenko, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev… đều đánh giá các quyết định của Mỹ và EU là “hành vi trộm cắp” và cho rằng, nếu phương Tây ăn cướp tài sản của Nga thì Nga cũng có quyền tịch thu các tài sản của phương Tây, từ đó, “châu Âu sẽ tổn thất nhiều hơn chúng tôi”. Về phần mình, Tổng thống Nga V. Putin hôm 23-5 đã ký sắc lệnh cho phép Nga tịch thu tài sản của Mỹ trong trường hợp Mỹ tịch thu tài sản của Nga. Những tài sản có thể chịu ảnh hưởng theo sắc lệnh này gồm tài sản của các tổ chức và cá nhân Mỹ tại Nga, cổ phần Mỹ trong các công ty Nga hoặc quyền sở hữu tài sản.

Trước đó, ông Putin đã ban hành sắc lệnh cho phép tiếp quản tài sản nước ngoài được coi là quan trọng với an ninh năng lượng quốc gia. Hiện thực hóa sắc lệnh này, ngày 17-5, một tòa án Nga đã ra lệnh tịch thu số tài sản lên tới 259,36 triệu USD bao gồm bất động sản, tài khoản thanh toán và cổ phiếu của Deutsche Bank (ngân hàng Đức) tại Nga. Trước đây, Deutsche Bank cho vay bảo lãnh theo hợp đồng xây dựng dự án nhà máy xử lý khí đốt tại Nga, song hợp đồng này bị chấm dứt do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Vì lí do này mà Deutsche Bank bị kiện bởi công ty Nga - RusChemAlliance là nhà điều hành dự án xây dựng nhà máy xử lý khí đốt. Ngày 18-5, một tòa án Nga khác ra lệnh tịch thu tài sản trị giá khoảng 503 triệu USD của UniCredit (tập đoàn ngân hàng và tài chính Italia) chi nhánh tại Nga. UniCredit cũng bị một công ty năng lượng Nga kiện, nguyên nhân cũng từ việc hợp đồng bị chấm dứt do lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Theo tính toán, đầu tư trực tiếp của các nước phương Tây vào Nga đến cuối năm 2022 đã lên tới 288 tỷ USD. Trong đó, EU là nhà đầu tư lớn nhất, khoảng 223,3 tỷ USD, với Síp là quốc gia góp vốn nhiều nhất (98,3 tỷ USD), Hà Lan (50,1 tỷ USD), Đức (17,3 tỷ USD), Pháp (16,6 tỷ USD) và Italia (12,9 tỷ USD); các quốc gia còn lại chiếm 28,1 tỷ USD. Trong số các nước G7, Anh đầu tư nhiều nhất vào Nga với 18,9 tỷ USD; Mỹ có 9,6 tỷ USD; Nhật Bản 4,6 tỷ USD; Canada 2,9 tỷ USD… Thụy Sĩ, Na Uy và Úc lần lượt là 28,5 tỷ USD, 139 triệu USD và 683 triệu USD.

Như vậy, phương Tây có thể mất ít nhất 288 tỷ USD khi Nga tịch thu số tài sản này để đáp trả cái mà Nga gọi là “hành động ăn cắp” của họ đối với Nga.

Đăng Song